Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Nam Sudan khi có các báo cáo về việc dân thường bị tấn công khi bạo lực bùng phát ở nước này và tình hình được dự báo sẽ tiếp tục hỗn loạn hơn.
"Chúng tôi đang rất lo lắng về việc dường như thiếu sự kiểm soát của quân đội tại đây", Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power phát biểu tại Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, Nhật Bản dự tính điều vận tải cơ C-130 đến Nam Sudan để sơ tán công dân nước mình. Hôm nay (10/7), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, có 47 công dân Nhật Bản đã rời Nam Sudan bằng các chuyến bay được thuê riêng.
"Hiện có khoảng 70 người Nhật ở Juba và chúng tôi xác nhận rằng tất cả đều an toàn", ông Suga cho biết.
Thủ đô Juba đang trong tình trạng hỗn loạn. (Nguồn: Reuters) |
Lo ngại về nội chiến ở Nam Sudan tiếp tục gia tăng khi cuộc chiến giữa những binh lính trung thành với Tổng thống và Phó Tổng thống ở quốc gia này ngày càng trở nên ác liệt.
Phó Tổng thống Riek Machar - một cựu chỉ huy quân nổi dậy - cho biết, quân đội của Tổng thống đã tấn công tư dinh của ông. Các nguồn tin cho biết, hơn 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh bên ngoài Dinh Tổng thống ngày 8/7.
Phe trung thành với Tổng thống Salva Kir và Phó Tổng thống Riek Machar – đã giao tranh với nhau trong một cuộc nội chiến kéo dài hai năm, bắt đầu từ cuối năm 2013. Thỏa thuận ngừng bắn được hai bên ký kết tháng vào 8/2015.
Cũng trong ngày 10/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã hối thúc các nước láng giềng của Nam Sudan giúp chấm dứt giao tranh ở thủ đô Juba và yêu cầu triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nam Sudan cần phải có các hành động kiên quyết nhằm kiểm soát tình hình hỗn loạn tại Juba và hối thúc họ ra lệnh cho các lực lượng rút rở lại căn cứ.