Tăng trưởng 6,8% năm 2018 vẫn khả thi
Theo TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2018 đạt mức 6,79%, tuy tốc độ tăng trưởng không còn cao như quý I, nhưng đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 10 năm qua.
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức cao nhất trong 7 năm với mức tăng 3,93%. Nông nghiệp tiếp tục có sự phục hồi khá rõ nét. Thời tiết thuận lợi góp phần tạo nên mùa bội thu, đặc biệt là các loại cây ăn quả.
Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2018. (Ảnh: P.M) |
Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực ở mức 6,9% trong hai quý đầu năm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ, với mức tăng 8,21%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng nửa đầu năm 2018 có mức tăng trưởng tích cực 9,07%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng 13,02%, cao nhất từ năm 2012. Tuy nhiên, ngành khai khoáng đã tăng trưởng âm trở lại trong quý II, dẫn tới suy giảm 1,3% trong 6 tháng đầu năm 2018, phản ánh mức tăng trưởng dương trong quý I chỉ mang tính thời vụ.
Dự báo về mức tăng trưởng cả năm 2018, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, “Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, chúng tôi vẫn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không khác nhiều so với lần dự báo gần đây, khi dự báo tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%”.
Doanh nghiệp dừng hoạt động tăng đột biến
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2018 cho thấy, quý II/2018 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7%.
Giống với quý I, quy mô việc làm tạo mới trong quý II tiếp tục suy giảm, so với cùng kỳ năm trước. Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực, tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý 2/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng Ba lên 4,67% vào tháng Sáu. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.
“Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay. Chúng tôi đánh giá đây chỉ là giải pháp tạm thời để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Thi trường bất động sản tiếp tục ảm đạm
Theo Báo cáo, thị trường căn hộ trong quý II suy giảm ở cả 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cả về lượng mở bán mới và lượng bán ra. Cộng với rủi ro về khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng ảm đạm hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, một vài khu vực có thể vỡ bong bóng bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong năm 2019. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần rất cẩn trọng trong chính sách tiền tệ.
Thị trường căn hộ trong quý II suy giảm ở cả 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: NDH) |
Khẳng định Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị, hiện nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng. Vì thuế tiêu dùng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu.
Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản, vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiêm giải trình trong thu chi ngân sách, để có thể thuyết phục người dân.
Không để đặc khu thành “thiên đường thuế”
Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đang được Quốc hội xem xét, nhóm chuyên gia VEPR lo ngại, nếu các nhà đầu tư được dành quá nhiều ưu đãi thuế, các đặc khu rất dễ trở thành “thiên đường thuế” để các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện hành vi trốn tránh thuế, nhất là hoạt động chuyển giá.
Theo số liệu từ Oxfam, các nước đang phát triển hàng năm chịu thất thu ngân sách 170 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia gây ra. Con số này rất lớn, trong bối cảnh thu ngân sách của các nước đang phát triển thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn.
Dẫn kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 85% nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định đầu tư dù không có các chính sách ưu đãi thuế, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị, Luật Đặc khu không nên dành cho các doanh nghiệp quá nhiều ưu đãi, gây ra tình trạng dư thừa ưu đãi (redundancy) và thất thu ngân sách lớn.
Đồng thời, báo cáo của VEPR cho rằng, việc đầu tư lớn vào các đặc khu bằng tiền ngân sách cũng là một quyết định cần cân nhắc trong tình trạng đầu tư trong nước còn đang bị thiếu hụt rất nhiều, có thể dẫn tới tình trạng gia tăng bất bình đẳng cho khu vực nội địa.