Đó là nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) trong buổi họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2017” diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK (ngồi giữa) tại buổi họp báo. (Ảnh: DL) |
GDP tăng thấp và có dấu hiệu chững lại
Theo số liệu của TCTK, quý I/2017, GDP ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, tăng trưởng quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012 - 2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khi ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%) thì ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2016, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Báo cáo cũng nêu rõ, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.
Điểm sáng đáng chú nhất trong báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2017 của TCTK là sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ với những đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung. Cụ thể: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm. Đặc biệt, ngành du lịch có tăng trưởng ấn tượng. Khách quốc tế đến nước ta trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 3.212,5 nghìn lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý I/2017 thấp hơn so với cùng kỳ 2016, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia cho biết, thứ nhất, đó là do tình trạng xâm nhập mặn từ năm 2016 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, diện tích vụ lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 55.000ha, vụ Đông Xuân giảm 17.000ha, dẫn tới sản lượng giảm hơn 330 ngàn tấn.
Nguyên nhân thứ hai được ông Tuyến nói đến là ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với 2016, chủ yếu là các lĩnh vực: chế biến chế tạo (tăng 8,3% trong khi năm 2016 tăng 8,99%); chế biến thực phẩm và sản xuất điện tử giảm -1% trong khi năm 2016 tăng 11%.
“Ngoài ra, việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình hoạt động đã ảnh hưởng tới ngành khai khoáng, dầu thô, khí, than đều tăng trưởng âm. Toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: DL) |
Lượng doanh nghiệp đăng ký mới nhiều nhưng hoạt động chưa hiệu quả
Theo báo cáo, tính chung quý I năm nay, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải điều này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, TCTK cho hay: Hàng năm, tốc độ tăng trưởng thành lâp doanh nghiệp đều tăng, nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ vẫn chiếm trên 97% dẫn đến quy mô bình quân của doanh nghiệp về lao động, vốn... là không lớn.
Ông Bích Lâm bổ sung thêm, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng đóng góp tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng. Trong số các doanh nghiệp mới thành lập thì có hơn 40% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. “Chỉ có hơn 11% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế tạo, lĩnh vực có ảnh hưởng tới chỉ số tăng trường. Chúng ta nhìn vào cơ cấu và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập để thấy được tại sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều mà kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng”, ông Lâm nhấn mạnh.
Về doanh nghiệp FDI, TCTK nhận định, doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước, bởi quy mô lớn hơn, nguồn vốn tốt hơn, chủ yếu hoạt động trong xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI chủ yếu gia công lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp, không sử dụng nguyên vật liệu trong nước.
Cần làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017?
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Nguồn: Báo du lịch Việt Nam) |
Nhận định rằng, trong những tháng còn lại, nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch là 6,7%, đại diện TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm đưa ra những biện pháp tổng thể.
Theo ông Lâm, thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế; tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng đầu vào của tín dụng đồng thời chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ khởi nghiệp.
Thứ hai, thực hiện nghiêm luật ngân sách nhà nước và kỷ luật tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại. Có giải pháp chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp FDI, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tính toán lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ do nhà nước quản lý một cách hợp lý để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn cho đầu tư công, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, thiết thực, chống lãng phí. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển giao, thúc đẩy khoa học công nghệ quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường.
Thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước nhằm hạn chế doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm mạng lưới siêu thị và đưa hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm thị trường truyền thống, các thị trường có sức mua tiềm năng cao, các thị trường đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam; Tận dụng các lợi thế để mở rộng thị trường theo cơ chế cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân gặp rủi ro thiên tại được hỗ trợ kịp thời.
Kết thúc họp báo, ông Lâm nhận định, nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2017.