Nhỏ Bình thường Lớn

Nhiều thành phố lớn sẽ thành… Venice

Dù mực nước biển chỉ cao lên mỗi năm không đầy 1mm, nhưng một ngày nào đó, không ít các thành phố ven biển sẽ ngập trong nước, và người dân ở đó bỗng nhiên thấy thành phố nơi mình sinh sống biến thành… Venice của nước Italia.
Danh sách các thành phố bị có nguy cơ giống với Venice của Italy ngày càng kéo dài.

Hiện thế giới có 44% dân số sống tập trung tại các vùng ven biển, và con số này liên tục tăng, một phần do nguồn lợi từ giao thương hàng hải cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hải sản đáng quý. Con người yêu biển, nhưng đáng tiếc là biển không đáp lại sự yêu mến đó. Giống như lượng cư dân ven biển, mực nước biển cũng ngày càng gia tăng. Từ năm 1950–2009, mực nước biển trên toàn cầu tăng từ 0,6-1mm/năm. Vài thập kỷ tới, các hòn đảo trên Thái Bình Dương có thể bị đại dương nuốt chửng. Quá trình này diễn ra chậm, đủ thời gian cho các nạn nhân tìm đến chỗ trú ẩn an toàn, nhưng cũng quá chậm để thu hút sự chú ý của thế giới.

Sau siêu bão Sandy, người dân New York bỗng nhiên thấy mình như đang ở trong các bộ phim giả tưởng về thảm họa thiên nhiên mà họ từng thở phào vì mình không liên quan. New York vẫn tồn tại, mọi thứ sẽ bình thường trở lại, bão Sandy rồi sẽ đi vào trí nhớ. Nhưng từ nay trở đi, New York sẽ không thể nói Mẹ Thiên Nhiên không chú ý đến họ. Điều này từng xảy ra tại New Orleans sau cơn bão Katrina năm 2005. Hai cơn bão lớn này là điềm báo trước tương lai của các thành phố lớn. Không có gì là vĩnh cửu. Viễn cảnh dễ nhận thấy nhất của New Orleans và New York là chúng sẽ chìm trong nước. Thần biển Poisedon thỉnh thoảng lại “ra tay”, tấn công cho đến khi các hàng rào phòng vệ bị phá vỡ.

Dĩ nhiên, vị thần người Hy Lạp này không phải là một kiểu đe dọa giống trùm khủng bố Osama bin Laden chỉ muốn tấn công vào nước Mỹ. Danh sách các thành phố có nguy cơ bị chìm dưới biển ngày càng kéo dài. Các ứng cử viên lớn nhất trong danh sách sẽ là: Mumbai (Ấn Độ) với 2,8 triệu dân bị ảnh hưởng; Thượng Hải (Trung Quốc) với 2,4 triệu dân; Miami (Mỹ) với 2 triệu dân; Alexandria (Ai Cập) với 1,3 triệu; Tokyo (Nhật Bản) với 1,1 triệu; Bangkok (Thái Lan) với 900.000 dân; Dhaka (Bangladesh) với 859.000 dân; Abidjan (Bờ biển Nga), với 520.000 dân; Jakarta (Indonesia) với 500.000 dân và Lagos (Nigeria) với 360.000 dân.

Nhưng danh sách này không có tên một số thành phố đáng chú ý, trong đó có London (Anh) và St. Petersburg (Nga). Bởi London có hệ thống rào chắn hiện đại trên sông Thames, cổng chắn lũ lớn thứ hai thế giới có thể di dời được (chỉ xếp sau Hà Lan), mà theo dự đoán sẽ chỉ hết tác dụng vào năm 2050 do nước biển dâng. Còn về St. Petersburg, thủ đô cũ của Nga, được xây dựng trên điểm tiếp giáp thấp giữa sông Neva và Biển Baltic, là khu vực dễ trở thành nạn nhân của nước biển dâng đến nỗi đã gây cảm hứng cho một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Alexander Pushkin - “Kỵ sĩ Đồng”, nói về một kỵ sĩ có người yêu bị chết chìm. Để chống lại lũ lụt triền miên, kể từ ngày thành lập thành phố năm 1703, thành phố được xem là “Cửa ngõ ra phương Tây” của Nga đã được bao quanh bởi một con đê biển khổng lồ.

Đê ngăn biển là giải pháp tốt kém nhất, nhưng cũng là duy nhất cho phép các thành phố ven biển có tồn tại, dù mong manh và tạm thời. Nhưng trong khi Manhattan (New York, Mỹ) có thể dễ dàng tìm nguồn tiền để xây dựng công trình như vậy, các thành phố khác sẽ khó tìm nguồn tài chính tương tự và buộc phải tìm biện pháp thích nghi, bằng cách hoặc là nâng cao môi trường sống và xây dựng hoặc xây dựng các công trình lùi sâu hơn vào đất liền.

Tại Hà Lan, nước đi đầu trong giải pháp xây dựng đê biển tốn kém, người dân cũng thỉnh thoảng tranh cãi có nên từ bỏ các vùng đất trũng, đầm lầy và đất nông trang thấp hay không. Còn ở Venice (Italia), kể từ khi thành lập vào thế kỷ thứ 2, thành phố ngập trong nước này có tỉ lệ chìm trung bình 3,8cm/thế kỷ. Nhưng khi mực nước biển dâng, tỉ lệ này sẽ tăng gấp 5 lần so với trước. Dự án MOSE, dự tính hoàn thành vào năm 2014, sẽ xây một bức đê biển giống như ở Anh, Hà Lan và Nga, bọc lấy Venice giống như bức tường bao quanh hồ, để bảo vệ thành phố khỏi các đợt thủy triền lớn. Dự án đang gây tranh cãi, không chỉ vì sự tốn kém (khoảng 4,7 tỉ euro) mà còn vì cân nhắc so với các lựa chọn khác, như bơm bùn đặc để nâng nền Venice ngăn thành phố bị lún.

Cho đến khi được cứu – hoặc biến mất trong các con sóng, Venice sẽ vẫn là thành phố ngập nước điển hình. Nhưng có lẽ tính thơ mộng của nó sẽ giảm khi ngày càng nhiều xem đây là mô hình lý tưởng để chống thảm họa thiên nhiên. Khi mực nước biển tăng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều người sẽ thấy mình trở thành công dân của… Venice. Vẫn còn thời gian cho các chính phủ khởi động các dự án nghiêm túc cần thiết để bảo vệ người dân khỏi Mẹ Thiên nhiên. Nhưng đó là một câu chuyện không phải lúc nào cũng kết thúc có hậu.

Mai Anh (Theo Foreign Policy)