📞

Nhiều tín hiệu tích cực về mục tiêu tăng trưởng GDP 2017

14:38 | 29/09/2017
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang khởi sắc, những tín hiệu tốt về tăng trưởng kinh tế quý III/2017, hiệu quả từ xây dựng Chính phủ kiến tạo sẽ là những động lực để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê trong buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 9/2017 và 9 tháng đầu năm, diễn ra tại Hà Nội sáng 29/9.

Những “điểm sáng” của nền kinh tế

Theo số liệu được công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. “Đây sẽ là con số kỷ lục sau nhiều năm, là mức tăng ngoạn mục”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: DL)

Theo nhận định của ông Lâm, mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5.99% của cùng kỳ năm 2016 đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỉ USD, tăng 19,8% trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tính cả dầu thô) tăng 21%.

9 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% so với 2016, là mức tăng cao nhất của ngành trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, một điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đó là việc cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường. 9 tháng đầu năm có 93.967 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỉ đồng, tăng 15,4% về số lượng và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016.

Bên cạnh đó, còn có 21.100 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115.000 DN. Theo ông Lâm, đây là con số kỷ lục và thể hiện rất rõ hiệu quả rất rõ từ những quyết sách kịp thời của Chính phủ kiến tạo.

Khảo sát về xu hướng chung trong quý IV/2017, phần lớn DN dự báo tình hình sản xuất lạc quan hơn quý III, trong đó 54,2% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên, 9,9& DN có dự báo giảm và 35.9%số DN dự báo ổn định.

Ngoài ra, về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2017, Việt Nam thu hút 1.844 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỉ USD, tăng 1.3% về số dự án và tăng 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Động lực cho mục tiêu tăng trưởng

Bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm sáng. Đứng trước những tín hiệu tích cực đó, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 tuy khó nhưng có nhiều khả năng sẽ đạt được. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu này, GDP của quý IV/2017 phải đạt 7,31%. Dãy số liệu thống kê từ 2011 – 2016 cho thấy, kinh tế Việt Nam chưa từng có thành tích này.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê vẫn khá lạc quan về mục tiêu tăng trưởng bởi những động lực tốt cho nền kinh tế.

Theo ông Lâm, trước hết, đó là GDP tăng trưởng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, chuyển đổi cơ cấu trong nông, lâm, thủy sản hiệu quả đã tạo ra giá trị của sản phẩm nông, lâm nghiệp thủy sản tăng lên mạnh, đảm bảo ổn định cho việc xuất khẩu.

“Một điểm sáng nữa cũng giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế là xuất khẩu. Trong 2 tháng gần đây (8,9), lần đầu tiên xuất khẩu 1 tháng của Việt Nam đạt trên 19 tỉ USD, góp phần tăng trưởng ngoạn mục cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, hiệu quả của Chính phủ kiến tạo đã tạo ra niềm tin trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo. “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vừa qua cũng cho thấy, xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên 5 bậc, từ 4,31 điểm lên 4,47 điểm trong thang điểm 7 và tăng 20 bậc trong 5 năm gần đây”, ông Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trả lời phỏng vấn báo chí bên lề sự kiện. (Ảnh: DL)

Ngoài ra, kinh tế thế giới khởi sắc, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), thương mại toàn cầu cải thiện rõ rệt cũng là những động lực cho Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2017.

Biện pháp để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu

Khẳng định để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 không phải dễ, nhưng với kết quả khả quan trong 9 tháng vừa qua, đặc biệt với xu hướng phát triển tích cực trong quý III/2017, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, triển khai có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 là 6.7% có thể đạt được.

Trao đổi với phóng viên, ông Lâm nhận định, cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các cấp phải đồng loạt triển khai có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ nhằm thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2017, trong đó, cần tập trung vào một số biện pháp chính.

Đại diện Tổng cục Thống kê trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: DL)

Theo ông Lâm, trước hết, Nhà nước cần điều hành chính sách tài chính tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, thực hiện giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21%.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan và nhà sản xuất cần chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Nhà nước nên tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết vốn đầu tư công được giao trong năm 2017. 

Chính phủ cũng cần tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng trưởng xuất khẩu; Chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại, với những thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam; Duy trì tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.

Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách biện pháp hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam; Tập trung cơ hội quảng bá, thu hút khách quốc tế nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 vào tháng 11 tới, tại Đà Nẵng và các kỳ nghỉ lễ, nghỉ Đông của nhiều quốc gia trên thế giới.