Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối Trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng.
Trước khi bắt đầu hành trình di sản, du khách sẽ tham gia “bonding” bằng cách tham quan các di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm kết hợp với chơi game. Đây là mô hình game hóa di sản đã được triển khai tại nhiều điểm du lịch văn hóa trên App Outing với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách chỉ cần truy cập vào app, mở trò chơi rồi thực hiện thử thách liên quan đến các di sản văn hóa tại Hà Nội. Những điểm đến văn hóa vốn bất động và đã quá đỗi quen thuộc bỗng trở nên thú vị hơn nhiều.
Outing app mang đến những kiến thức sống động về di sản văn hóa tại Hà Nội (nguồn Outing App) |
Xuất phát từ trung tâm Hà Nội đến điểm khởi đầu của hành trình là Đình (đền) Nội Bình Đà thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Tại đây, du khách sẽ được tham quan và nghe thuyết minh về lịch sử ngôi đình, những bảo vật và những giá trị mang đậm bản sắc văn hoá gắn liền với truyền thuyết về buổi đầu dựng nước 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển - đúng với tinh thần của con đường di sản - tìm về nguồn cội.
Khách đến hành hương tại Đình Nội Bình Đà. |
Tại Đình Nội Bình Đà và Đình Ngoại Bình Đà (thờ Đức Linh Lang Đại vương thời nhà Lý) hàng năm diễn ra lễ hội Bình Đà cổ truyền do xã tổ chức và 5 năm một lần do huyện tổ chức. Năm nay, lễ hội Bình Đà khai mạc vào ngày 12/4 với quy mô cấp huyện, cùng ngày khai trương tuyến du lịch. Lễ hội thu hút sự tham gia của khách du lịch từ nhiều địa phương đến thưởng thức và tri ân nét đẹp văn hoá ngàn đời.
Từ điểm đầu nguồn cội, du khách đến với địa điểm thứ hai, nơi gìn giữ và lưu truyền nghệ tạo ra một biểu tượng của con người Việt Nam - nón lá làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai.
“Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”, đó là câu ca dao được truyền bao đời nay về nghề làm nón lá tại nơi đây. Du khách được tham quan và có thể trải nghiệm 6 công đoạn để làm nón, trong đó như: Vò lá, làm khung, khâu nón,...
Nghệ nhân Lê Văn Tuy với chiếc nón do chính tay mình đan. |
Nghệ nhân Lê Văn Tuy - người gắn bó và lưu giữ nghề làm nón hơn 50 năm, chia sẻ dịch vụ trải nghiệm làm nón đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, mỗi ngày cơ sở của ông đón 3 - 4 đoàn du khách theo tour, và nhiều du khách nước ngoài tìm đến với sự hứng thú tìm hiểu nét đẹp duyên dáng của chiếc nón lá.
Du khách được giữ chiếc nón mình trang trí như một món quà kỷ niệm. |
Với trăn trở không chỉ duy trì mà còn phát triển nghề làm nón với nhiều hình thức đổi mới, tiếp cận những đối tượng khách hàng mới, nghệ nhân Tuy chia sẻ mong muốn nón làng Chuông được biết đến nhiều hơn và phát triển đến với thị trường quốc tế, con đường di sản Nam Thăng Long được triển khai là một cơ hội tốt để làng nghề phát triển, tăng sinh kế cho người dân.
Vẽ nhóm là trải nghiệm mới mẻ với nhiều du khách quốc tế. |
Hành trình tiếp tục tới với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu - làng nghề thủ công truyền thống đã ra đời từ 100 năm trước. Bằng bàn tay khéo léo và trí tuệ của những thợ làng nghề, từ thân tre, thân vầu khẳng khiu tạo nên những nén hương thơm.
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu tham quan, khám phá cảnh đẹp làng hương, người dân Quảng Phú Cầu đã tạo ra những không gian để khách du lịch thỏa sức chụp ảnh. Người dân đã sắp xếp những bó chân hương là hình bản đồ Việt Nam, hình cờ đỏ sao vàng, hình những bông hoa, cây hoa…
Một nhóm các du khách chụp ảnh tại sân phơi hương. |
Chị Cyndia - du khách tới từ Đức tỏ ra thích thú khi đến thăm một sân phơi hương thuộc thôn Cầu Bầu: “Rất nhiều màu sắc và hương thơm, ở Đức không có những hình ảnh này vì vậy tôi cảm thấy khá mới mẻ và thú vị khi chụp ảnh với nhiều bó hương như vậy”.
Quảng Phú Cầu nhộn nhịp khách tham quan. |
Thực hiện theo hướng chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa về xây dựng tour du lịch Con đường di sản Nam Thăng Long, cơ sở sản xuất hương Từ Bi đã cải tiến mô hình trải nghiệm làm hương dành cho du khách, đặc biệt thu hút nhiều học sinh đến tham quan và học tập: “Khu du lịch trải nghiệm ra đời với mong muốn để cho du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về giá trị của hương trong đời sống người Việt.” - nghệ nhân Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở chia sẻ.
Khu trải nghiệm làm hương tại cơ sở sản xuất hương Từ Bi. |
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn và 6/6 thôn đều đã được công nhận là làng nghề. Bám sát chỉ thị thực hiện của Sở Du lịch Thành phố, xã cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản. UBND xã đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa vào cuối năm nay và dịp Tết Ất Tỵ 2025, hứa hẹn sẽ thúc đẩy doanh thu du lịch của Quảng Phú Cầu.
Khách du lịch có thể mua nhiều sản phẩm OCOP đa dạng từ hương. |
Làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức là điểm dừng chân cuối trong hành trình. Tại đây, du khách được tham quan cơ sở dệt của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - người đã khôi phục và gìn giữ nghề dệt truyền thống của làng.
Ghé thăm nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” của miền Bắc, trong âm thanh “lách cách” đặc trưng của máy dệt, nhiều du khách hứng thú khi được giới thiệu về nguồn gốc và các công đoạn làm ra sản phẩm từ tơ tằm và tơ sen. Đặc biệt, khách tham quan có thể trực tiếp tham gia vào từng công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, cho đến làm ra các sản phẩm độc đáo từ tơ sen.
Nét mềm mại của lụa tơ tằm Mỹ Đức. |
“Điều tôi mong muốn nhất là du khách biết được nguồn gốc và giá trị của nghề dệt tơ truyền thống. Khi đến đây tham quan, họ sẽ được tận tay hái lá dâu, quan sát con tằm nhả tơ và sự hăng say của những người thợ dệt vải. Qua đó, tôi hy vọng du khách sẽ hiểu hơn về sự công phu, tận tụy trong từng công đoạn và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống mà chúng tôi đang gìn giữ.” - Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ
Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu sợi tơ tằm cho du khách. |
Du khách đến tham quan còn có thể mua các sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao như khăn choàng, khăn mặt, mặt nạ… được làm tỉ mỉ từ tơ sen, tơ tằm để làm quà.
Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện quyết tâm của Sở Du lịch Hà Nội trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy các di sản, di tích, làng nghề của Thủ đô. Tuyến du lịch được kỳ vọng tạo tiền đề cho các doanh nghiệp lữ hành cùng nhau khai thác, mở rộng các hoạt động trải nghiệm để từ đó tiếp tục kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khác hình thành thêm nhiều tour, tuyến mới có sức hấp dẫn. Từ đó, thúc đẩy quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống, phát triển đời sống người dân, đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.