Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan tổ chức và cá nhân về Luật Quản lý ngoại thương, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương bao gồm 8 chương, 113 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Luật được xây dựng và ban hành với vai trò là một đạo luật có tính định hướng rõ ràng, hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhưng đồng thời cũng đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ các công cụ điều hành một cách linh hoạt trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, Luật Quản lý ngoại thương điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Luật cũng quy định rõ là phải đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.
Bên cạnh đó Luật cũng dự kiến việc đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành khi có quy định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu có thời hạn. Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích công cộng. Và thẩm quyền quyết định hàng hóa thuộc diện tạm ngừng có thời hạn được giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương…
Cùng với đó, Luật cũng quy định về việc doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Luật Quản lý Ngoại thương sẽ giúp giảm chồng chéo trong xuất nhập khẩu. (Nguồn: VTV) |
Để việc triển khai luật được kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương, nhằm triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương soạn thảo 5 nghị định hướng dẫn. Trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã liên tục cải thiện chính sách, công cụ pháp luật để thực hiện quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương ngày càng chặt chẽ, thông suốt, minh bạch, hiệu quả hơn.
Song thực tiễn cho thấy, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh, còn bất cập ở nhiều mặt như: Có quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý hoạt động ngoại thương dẫn đến sự không tập trung, thiếu sự thống nhất; Việc không có quy định cụ thể dẫn đến sự ổn định của các biện pháp quản lý ngoại thương chưa cao, có khả năng gây cản trở quyền của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật cũng như gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc áp dụng các công cụ.
Taị Hội nghị, các đại biểu đã nghe các Cục, Vụ của Bộ Công Thương giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phát triển ngoại thương; Giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về quản lý, phát triển thương mại biên giới…