Nhiều ý kiến trái chiều về nguồn cung và giá khí đốt, EU không có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường |
Ngày 24/6, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hiện không có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường của khối này trong tháng 7 để thảo luận về cách đối phó với việc giá khí đốt tăng.
Khi được hỏi về thông tin có khả năng diễn ra một Hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tháng tới hay không, quan chức trên nói: "Hiện không có kế hoạch".
Trướng đó, người phát ngôn Ủy ban châu Âu nêu rõ: “Theo những gì chúng tôi trao đổi với giới chức của các quốc gia thành viên, an ninh nguồn cung khí đốt tại Đức, cũng như trên toàn EU, đang được đảm bảo. Dòng chảy khí đốt bị cắt giảm từ Nga cho tới nay có thể bù đắp được”.
Theo người phát ngôn trên, vào ngày 27/6 tới, quan chức cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng của EU và bộ trưởng các quốc gia thành viên trong khối sẽ thảo luận về những biện pháp khả thi nhằm cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, đồng thời tăng cường các công tác chuẩn bị nếu tình huống xấu đi.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng và dầu mỏ Na Uy thông báo Oslo và Brussels đã nhất trí hợp tác nhằm cung cấp thêm khí đốt của Na Uy - nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Tây Âu - cho EU cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo nguồn tin, Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 23/6 đã đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới trong cuộc họp nội bộ với các nhà lãnh đạo EU để thảo luận về đề xuất giới hạn giá khí đốt của Nga.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng, các nước thành viên EU cần bắt đầu mua năng lượng chung và thực hiện giới hạn giá khí đốt để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong mùa Đông tới.
Phát biểu trên được Thủ tướng De Croo đưa ra trước thềm hội nghị lãnh đạo EU tại Brussels. Ông nhấn mạnh: "Nếu tất cả chúng ta tự hành động, chúng ta sẽ tự đi đến thất bại. Chúng ta cần bắt đầu mua năng lượng theo hình thức tập thể, cần thực hiện giới hạn giá cả và lập kế hoạch cùng nhau để vượt qua mùa Đông tới".
Về phía Đức, Tạp chí Tấm gương (Spiegel) của nước này ngày 24/6 đưa tin, Bộ Kinh tế liên bang Đức đang cân nhắc chuyển một phần của đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) thành đường kết nối với một trạm cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Baltic.
Theo nguồn tin trên, hệ thống chuyển đổi nằm trên lãnh thổ Đức và được tách khỏi phần còn lại của hệ thống đường ống nối từ Nga tới Đức.
Theo tin từ Điện Kremlin, Moscow không thể bình luận gì về thông tin đăng tải trên Spiegel nói rằng Berlin đang xem xét khai thác sử dụng một phần của hệ thống đường ống Nord Stream 2.