Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, tháng 8/2013. |
Để triển khai thực hiện chủ trương này, cách đây vừa tròn một năm, ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (Nghị quyết 22). Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tổng quan về Nghị quyết 22
Nghị quyết 22 đề cập và xác định rõ các vấn đề lớn liên quan đến hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, đến các nội dung cơ bản của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực và các định hướng giải pháp lớn để triển khai thực hiện. Có thể tóm lược một số nội dung quan trọng của Nghị quyết 22 như sau:
Về mục tiêu, Nghị quyết 22 xác định hội nhập quốc tế của nước ta thời gian tới phải hướng tới cả ba nhóm mục tiêu cơ bản là phát triển, an ninh và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, cụ thể là: "củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới".
Về quan điểm chỉ đạo, hội nhập quốc tế giai đoạn tới phải quán triệt quan điểm chỉ đạo chung là"giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được tổng kết trong Cương lĩnh". Đồng thời, Nghị quyết 22 cũng đề ra một số quan điểm chỉ đạo cụ thể mà hội nhập quốc tế của nước ta giai đoạn tới phải quán triệt:
Một là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xác định hội nhập quốc tế như là một phương cách chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi các Bộ, ban ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân cần luôn coi hội nhập quốc tế là nội dung thường xuyên, quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hai là, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, có thể hiểu chủ thể của hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới không chỉ là nhà nước, chính phủ, mà là tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân.
Ba là, hội nhập quốc tế phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; có phát huy được nội lực thì mới tranh thủ được các cơ hội và đối phó được với các thách thức của hội nhập. Thực chất quan điểm chỉ đạo này là khẳng định: gắn kết chặt chẽ giữa quá trình chuẩn bị trong nước với việc cam kết và thực hiện các cam kết quốc tế; gắn quá trình hội nhập quốc tế với sự liên kết giữa các vùng miền trong nước (hội nhập bên trong).
Bốn là, "hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước". Trong các lĩnh vực hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn tới. Hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế; đồng thời phải được coi là phương thức mới để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội.
Năm là, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp chúng ta không chủ quan, nhưng cũng không thụ động trong triển khai hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là phương châm của hội nhập: đấu tranh không đi đến đối đầu; hợp tác không đến mức tập hợp lực lượng, liên minh với bên này để chống bên kia.
Sáu là, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Về định hướng nhiệm vụ, Nghị quyết 22 đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị sẽ được triển khai trên cả hai cấp độ song phương lẫn đa phương, thông qua các kênh ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và ngoại giao nhân dân. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh sẽ được đẩy mạnh theo hướng tham gia các hoạt động hợp tác ở mức độ cao hơn; đặc biệt, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, diễn tập chung và các hoạt động khác. Hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ v.v. phải nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết và đóng góp vào sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế.
Về giải pháp thực hiện, Nghị quyết 22 đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế. Các cơ chế liên ngành về hội nhập quốc tế hiện tại sẽ sáp nhập vào Ban Chỉ đạo. Chính phủ cũng sẽ có Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 22. Các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng và triển khai chương trình hành động của ngành mình thực hiện Nghị quyết. Định kỳ, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế sẽ báo cáo Bộ Chính trị về việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Luồng gió mới vào hoạt động đối ngoại
Sau một năm kể từ ngày Nghị quyết 22 được ban hành, có thể sơ bộ nhận thấy các cấp, các ngành đều đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ góc độ của Bộ Ngoại giao, có thể điểm lại một số kết quả bước đầu như sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đã sớm được Bộ Ngoại giao, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, triển khai từ Trung ương tới địa phương, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền đối ngoại.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự chương trình nghệ thuật Việt Nam - Quê hương tôi ở Nhật Bản. |
Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cho dịch Nghị quyết ra 5 ngôn ngữ quốc tế phổ biến là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Ảrập để đưa lên các trang web và gửi cho các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài để phục vụ hoạt động tuyên truyền đối ngoại. Các đơn vị của Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động lồng ghép các nội dung, định hướng lớn của Nghị quyết 22 vào các hoạt động đối ngoại nhằm tuyên truyền một cách sâu sắc và cụ thể hơn về Nghị quyết 22 với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, nghiên cứu và kiến nghị phương án thiết lập cơ chế chỉ đạo hội nhập quốc tế. Tháng 9/2013, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế. Tháng 2/2013, Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo. Đến nay, Đề án đã được hoàn chỉnh và đang trình, chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, Bộ Ngoại giao cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 22. Đây là một chương trình hành động tổng thể, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều nội dung hội nhập quốc tế của tất cả các ngành, các lĩnh vực, trên cơ sở bám sát các định hướng nhiệm vụ của Nghị quyết 22. Đến nay, Dự thảo Chương trình hành động đã được hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ và gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ để sớm thông qua.
Thứ tư, trong thực tiễn công tác đối ngoại, sau khi Nghị quyết 22 được ban hành, chúng ta có thể nhận thấy tinh thần và các định hướng lớn của Nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống.
Trong lĩnh vực chính trị, năm 2013 chúng ta đã tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Pháp và Đan Mạch, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 13 và đối tác toàn diện lên 11. Đồng thời, chúng ta đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương, nổi bật là lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số các nước ứng cử. Việt Nam cũng được tín nhiệm giao đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Chúng ta cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước ASEAN chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chúng ta đang chuẩn bị cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đã bắt đầu tham gia các hoạt động diễn tập đa phương ở khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chủ động tham gia và đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan.
Trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ, lần đầu tiên Việt Nam được bầu và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, và tiếp đó được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới của tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017. Những kết quả trên cho thấy chúng ta không chỉ tham gia, mà trên thực tế đã và đang khẳng định vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đúng như tinh thần của Nghị quyết 22.
Thứ năm, ở cấp độ ngành, Bộ Ngoại giao cũng rất chủ động triển khai Nghị quyết 22; đã xây dựng Chương trình hành động của Bộ để sớm ban hành sau khi Chương trình hành động của Chính phủ được thông qua; chọn "Ngoại giao chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" làm chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28; chọn chủ đề của công tác đối ngoại năm 2014 là "Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế".
Đồng thời, để có đủ năng lực triển khai hội nhập quốc tế, Bộ Ngoại giao đã rất coi trọng việc tăng cường các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Ngành. Các đơn vị trong Bộ cũng đã khai thác rất hiệu quả các dự án tăng cường năng lực, đặc biệt là Dự án "Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng" được UNDP tài trợ và do Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương chủ trì. Dự án này đã tài trợ cho nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế; các hội thảo trao đổi kinh nghiệm về hội nhập quốc tế; tổ chức nhiều lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng phục vụ hội nhập quốc tế; tổ chức các chương trình thực tập dành cho cán bộ ngoại giao tại các Cơ quan đại diện Việt Nam và các tổ chức khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Dự án cũng tổ chức được các chương trình nghiên cứu chính sách dành cho Lãnh đạo cấp cao.
Như vậy, nhìn lại một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22, chúng ta nhận thấy các kết quả bước đầu là rất đáng khích lệ. Nhiều nội dung, định hướng quan trọng đã được triển khai trên thực tế. Các công việc chuẩn bị cần thiết để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống đã cơ bản hoàn thành. Trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết sẽ bắt đầu đi vào các nhiệm vụ cụ thể hơn, phức tạp hơn trên thực tế và do đó sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành. Với kết quả tích cực bước đầu sau một năm triển khai thực hiện, cho phép chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết 22 chắc chắn sẽ thổi một luồng gió mới vào hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới.
Bùi Thanh SơnThứ trưởng Bộ Ngoại giao