Tọa đàm có sự tham dự của TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Các diễn giả tham dự tọa đàm. Từ trái qua: Trung tướng Ngô Minh Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Nguồn: VGP) |
Năm 2021, Việt Nam đã trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát do biến chủng Delta gây ra, buộc đất nước phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; từ chính sách “không Covid-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại.
Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III/2021 (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Thời điểm phù hợp
Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, năm 2020 Việt Nam từng là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, sang năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, tất cả đã thay đổi, buộc Việt Nam phải thay đổi.
Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dù hiện nay tỷ lệ F0 tăng nhưng hoàn toàn có thể nói chắc chắn Việt Nam sẽ khống chế được dịch bệnh.
Hiện nay, các cơ sở y tế không bị quá tải, dân chúng không hoảng loạn, kinh tế và giao lưu hàng hóa bình thường… Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng khi chuyển hướng chiến lược, để phục hồi và phát triển kinh tế.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại Trường THCS Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. (Nguồn: SK&ĐS) |
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói, dịch Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, đòi hỏi việc vừa nghiên cứu vừa áp dụng những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả. Với tinh thần như vậy, mỗi giai đoạn là sự kết hợp giữa nghiên cứu, kinh nghiệm của các nước và thực tế công tác phòng chống dịch của Việt Nam, để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam đã có những bước chuyển hướng chiến lược kịp thời, phù hợp, chứ không chậm như một số ý kiến trái chiều.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói: “Ngay từ đầu, khi dịch Covid-19 bùng phát, các nước trên thế giới và Việt Nam đã rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi đưa ra vaccine phòng, chống dịch.
Trong quá trình đó, để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm, khả năng chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, chúng ta sử dụng chiến lược 'Zero Covid'. Tôi cho rằng thời điểm đó sử dụng chiến lược này là hoàn toàn phù hợp".
Độ bao phủ vaccine của Việt Nam hiện đang đạt mức cao, với tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. Đây cũng là lúc ý thức của người dân bắt đầu được nâng cao, đất nước bắt đầu có sự chuyển hướng về chiến lược.
Tham gia tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu 3 điểm nổi bật của công tác phòng chống dịch của Việt Nam, gồm: Học hỏi kinh nghiệm chống dịch của bạn bè quốc tế; bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trên toàn quốc; tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái. Những đặc điểm này đã giúp đất nước có những giải pháp chống dịch rất tốt và linh hoạt.
Có thể nói, sau gần 2 năm, Việt Nam có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng chống dịch Covid-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
“Đây là ý rất quan trọng để khẳng định rằng chúng ta chuyển trạng thái có chậm không. Thời điểm chúng ta quyết định sống chung với dịch bệnh, đó là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là phương án vừa kịp thời, vừa đúng lúc”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định.
Những kinh nghiệm quý giá
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, trong năm 2021, bản thân ông và QĐND Việt Nam đã thu được nhiều kinh nghiệm quý giá khi tham gia chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam:
Quân đội đã hỗ trợ, giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh hết mình trong đợt dịch vừa qua. (Nguồn: VGP) |
Thứ nhất là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban Chấp hành Trung ương đến Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là sự ủng hộ rất quan trọng của các doanh nghiệp.
Thứ hai là sự đồng lòng của người dân với những quyết sách của Chính phủ, sự chỉ đạo của các bộ, ngành chức năng, đây chính là điều kiện tiên quyết để công tác chống dịch đạt được thành công.
Thứ ba, bất luận trong công việc gì, nếu như đặt lợi ích của người dân, tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết và người dân đồng tình ủng hộ, thì khó khăn nào cũng thành công chứ không chỉ trong phòng chống dịch.
Trung tướng Ngô Minh Tiến kể: “Bộ đội chúng tôi được đón nhận sự yêu thương, tạo điều kiện giúp đỡ từ nhân dân, giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vừa rồi chúng tôi làm việc ở trong Nam, khi chia tay, hoàn thành nhiệm vụ về, thì đúng là “đi nhân dân nhớ, ở nhân dân thương” nên rất lưu luyến. Điều đó góp phần làm tỏa sáng hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới".
Nghị quyết 128: Bước tạo đà quan trọng
Khi việc tiêm vaccine đã bao phủ, Chính phủ thay đổi chiến lược chống dịch bằng Nghị quyết 128. Đây có thể coi là một chiến lược rất mạnh mẽ của Chính phủ.
Nhận định về sự chuyển hướng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc
Ông Phương nhận định: "Phải nói rằng nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng hình chữ V".
Theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Nghị quyết 128 đã có những tác động quan trọng và tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Để đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vaccine, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. (Nguồn: VGP) |
Đối ngoại được phát huy mạnh mẽ
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam đã triển khai một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trên cơ sở ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Và năm nay, ngành đối ngoại cũng được khích lệ khi lần đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trị Hội nghị toàn quốc nhằm khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong giữ vững môi trường hòa bình ổn định, huy động các nguồn lực để phát triển cũng như nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Theo Thứ trưởng, trên thực tế, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động đối ngoại được triển khai hết sức năng động, tích cực và tập trung vào các đối tác song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương và có những đóng góp rất quan trọng.
Một trong số đó là công tác ngoại giao vaccine. Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được 190 triệu liều vaccine, trong số đó, có khoảng 68 triệu liều là các đối tác tài trợ.
"Trong bối cảnh nguồn cung vaccine rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vaccine diễn ra gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát, kết quả trên có ý nghĩa rất thiết thực", đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, công tác đối ngoại trong đại dịch, đặc biệt là ngoại giao phục vụ phát triển, các hoạt động hợp tác về kinh tế đối ngoại cũng đã phát huy rất tốt, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, với hoạt động rất tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trên các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, Việt Nam đã thực sự kiểm soát được dịch bệnh và sẵn sàng quay trở lại một cuộc sống mới, giao lưu, hợp tác ngoại giao bình thường trở lại.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định: “Điều đó tạo cho Việt Nam uy tín trên trường quốc tế về khả năng thích ứng và quản lý những tình huống khó khăn. Các hoạt động đối ngoại đã được triển khai toàn diện và đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực trong giai đoạn bình thường mới”.
Đưa ra những dự đoán về năm 2022, các diễn giả đều có chung nhận định, thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trên đà phục hồi kinh tế nhờ sự quyết tâm với chiến lược sống chung với Covid-19 và sự không nhụt chí của nhiều nước trước biến thể mới Omicron.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng không đi ngược với xu thế chung của thế giới, nội lực hóa được nhiều nội dung quan trọng, mang đến nhiều vận hội mới cho đất nước.
Ngoài ra, nhờ sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, cùng sự đồng lòng của người dân, Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào năm 2022 với tinh thần lạc quan thận trọng để ổn định, bền vững, tiếp tục thành công trong công tác chống dịch và đẩy mạnh phục hồi kinh tế.