Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn. (Nguồn: Baodautu) |
Năm 2020, quy mô tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước; trong khi mức tăng của năm 2019 chỉ là 15%. Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đạt 15%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ đạt 57.102 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019; lĩnh vực nhân thọ đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6%.
Tổng nhu cầu mua bảo hiểm không suy giảm vì đại dịch, nhưng có sự phân hóa, từ sản phẩm bảo hiểm đến đơn vị cung cấp dịch vụ.
Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới bảo hiểm hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ đã phục hồi khá tốt sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Trong nhóm 13 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 đạt xấp xỉ 75.411 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước.
Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI - hãng bảo hiểm đang nắm thị phần lớn thứ hai trong mảng phi nhân thọ chỉ tăng chưa đến 1,5%. Trong khi đó, tăng trưởng phí bảo hiểm gốc của BIC đạt hơn 17,4%, giúp Công ty vươn lên vị trí thứ 7 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.
“Giãn cách xã hội gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng, làm chi tiêu của doanh nghiệp và người dân bị thắt chặt. Nhưng doanh nghiệp không chùn bước, mà biến khó khăn thành động lực”, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV nói.
Lý giải con số tăng trưởng của năm vừa rồi, ông An cho biết, Công ty đã có những đổi mới về công nghệ khi ra mắt ứng dụng di động hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm, khai báo tổn thất, đồng thời, ra mắt sản phẩm mới như bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khỏe cao cấp dành cho người quản lý doanh nghiệp. Cùng với đó, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng tới 70%.
Kênh bancassurance ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng doanh thu phí, đặc biệt ở mảng bảo hiểm nhân thọ. Vẫn đang có thêm nhiều hợp đồng độc quyền được ký kết, như các hợp đồng gần đây giữa ACB với SunLife Việt Nam hay VietinBank với Manulife. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa trong bảng xếp hạng thị phần năm 2021.