Nhân dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh tư liệu) |
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít thách thức.
Tình hình đó đòi hỏi đất nước ta phải tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vận dụng hiệu quả các bài học, kinh nghiệm quý của chiến thắng 30/4/1975.
Luôn đặt dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết
Mùa Xuân năm 1975, cả nước nhất tề vào trận với khí thế hào hùng, với quyết tâm và ý chí dân tộc nghìn năm hội tụ. Ý chí sắt đá và khí thế ngút trời toát ra trong lời đáp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam, khi được hỏi về việc chuẩn bị đạn dược: “Đủ bắn cho nó sợ đến ba đời!”; trong lời dặn tha thiết mà hào sảng của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ vào Bộ Tư lệnh tiền phương: “Phải thắng mới được về!” và trong bức điện “Quân lệnh” lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hào khí dân tộc đang rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sáng tạo và mưu lược trong chỉ đạo chiến lược
Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng tiêu biểu nhất của tài thao lược, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng. Theo đó, cả nước đã cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực cho ngày toàn thắng. Vận dụng kinh nghiệm này đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo, mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới. Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở nào, cũng không dựa được vào sự già dặn của tích lũy kinh nghiệm và thông minh, tài trí cá nhân, mà trước hết phải là thành tựu của sự lãnh đạo tập thể, trước hết là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương, các cơ quan nhà nước. Đồng thời, cần phải phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ chỉ huy các cấp và của toàn thể nhân dân.
Đó chính là sự chắt lọc, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm từ Chiến thắng 30/4/1975 vào thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đến năm 2025 - Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 - Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 - Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chiến thắng 30/4/1975 vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết, tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài. Theo đó, chúng ta phải triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1/2021) về xây dựng Đảng; phải làm cho mọi tổ chức Đảng, Đảng viên luôn trở nên trong sạch thì mới có thể đảm đương được vai trò hạt nhân nòng cốt xây dựng tình đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.
Cùng với đó, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật của Đảng, không ngừng củng cố năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xử lý nghiêm các đảng viên vi phạm để lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng. Bên cạnh đó, mọi hành động, hành vi xuyên tạc, hòng xâm hại, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.
Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Trong Chiến thắng 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng chính trị-tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng. Ngày nay, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII về quốc phòng, an ninh; không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng vững mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại.
Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển, đảo. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, trong đó cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở; tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh; phòng ngừa, xử trí hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ cơ hội từ hội nhập để xử lý hiệu quả những vấn đề quan trọng như an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh an toàn không gian mạng… góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đẩy mạnh công tác ngoại giao
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sát cánh với các mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần đưa dân tộc ta đi tới chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975. Đây là thắng lợi to lớn và là bài học kinh nghiệm quý báu. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới ở vào thời điểm đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đặt ra sứ mệnh lịch sử mới cho ngoại giao Việt Nam. Kế thừa, vận dụng kinh nghiệm từ chiến thắng 30/4/1975, ngoại giao Việt Nam cần đi tiên phong trong việc kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, ngành ngoại giao phải tập trung quán triệt, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hướng tới đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương và song phương; là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1/2021) đề ra là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
* * *
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn được viết tiếp trên hành trình dài vô tận, chiến thắng 30/4/1975 sẽ mãi là dấu ấn đậm nét trong dòng chảy lịch sử dân tộc và để lại nhiều bài học lịch sử đối với hiện nay.
Nhiệm vụ của chúng ta là phải chắt lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đó, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.