Theo các nhà khoa học, loài bạch tuộc đã học được cách tồn tại và phát triển trong mọi môi trường. Thử bỏ đói và nhốt chúng trong những chiếc thùng đặt tại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện những chú bạch tuộc đã tìm cách ra khỏi thùng và “bơi trên cạn” để tìm thức ăn trong một chiếc thùng khác đặt gần đó trước khi trở về “phòng giam” của mình. Nhưng không chỉ có vậy. Với cơ thể thân mềm của mình, bạch tuộc luôn là mục tiêu hấp dẫn cho những kẻ ăn thịt. Do đó, chúng luôn tìm cách dựng cho mình một “lô cốt” riêng trong bãi đá để giấu mình và từ các khe hở “hé” mắt quan sát bên ngoài. Nếu không có đá, chúng sẽ dùng bất cứ thứ gì có sẵn xung quanh - một vỏ ốc hay vỏ chai cũ… Một đoạn băng hình phát tán trên internet đã ghi được cảnh những con bạch tuộc ở Indonesia lôi những chiếc vỏ dừa bị du khách ném xuống biển và kéo hai nửa lại với nhau để tạo thành một nơi ẩn náu. Khi buộc phải ra ngoài khu ẩn náu, hàng triệu tế bào da chúng sẽ liên tục thay đổi hình dạng và màu sắc để hòa vào môi trường bên ngoài.
Một nhà nghiên cứu từng viết: “Bạch tuộc có một túi mực ở gần hậu môn, từ đó nó có thể phun ra chất lỏng màu đen đậm đặc, tạo thành lớp ngụy trang hiệu quả đáng để lực lượng Hải quân phải ghen tị”. Nếu việc phun mực không có tác dụng, bạch tuộc sẽ dùng đến bộ hàm rất khỏe của mình để cắn đối thủ. Với bạch tuộc đốm xanh, khi bị đe dọa, những chiếc vòng màu xanh sẽ sáng lên trên lưng với những vi khuẩn có độc tố rất mạnh đủ để giết chết cả con người. Đây là loại vi khuẩn vẫn sống trong tuyến nước bọt của bạch tuộc khi cần được chúng đem ra sử dụng.
Nhưng trốn trong “căn cứ”, phun mực thoát thân hay cắn hoặc phun vi khuẩn độc không phải là cách chọn bạn tình – một việc quan trọng ngang với việc tránh kẻ thù. Lúc đó, bạch tuộc sẽ phải có một chiến thuật ngược lại – lôi kéo “đối tác”. Khi phát hiện đối tác tiềm năng, bạch tuộc sẽ phân nhiệm vụ rõ ràng, nửa đối diện với bạn tình sẽ khoe mẽ bằng nhiều màu sắc khác nhau, nửa còn lại đang “canh gác” và đối phó với thế giới còn lại (trong đó có cả những đối thủ cạnh tranh) vẫn im lặng như không có chuyện gì xảy ra.
Trong một thế giới đầy rẫy nguy cơ: khủng bố, chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, sự phân phối lương thực không đồng đều… như hiện nay, nghiên cứu loài bạch tuộc, con người có thể rút ra cho mình nhiều bài học thích nghi với môi trường. Việc sử dụng công cụ (vỏ dừa) và khả năng tồn tại trong môi trường bị đóng kín tại phòng thí nghiệm cho thấy bạch tuộc có thể tự xoay xở khi môi trường sống thay đổi. Sự thay đổi màu sắc trên da cho thấy nó có khả năng ứng phó trực tiếp với thay đổi trong môi trường. Việc phun mực để ngụy trang và có thể cắn đối thủ khi phòng vệ và tấn công cho thấy một khả năng sử dụng phối hợp nhiều biện pháp đa chức năng và phong phú. Việc có thể đuổi theo, gây bất ngờ, thậm chí có thể giết chết con mồi lớn gấp nhiều lần cơ thể mình cho thấy chúng có thể xoay chuyển tình hình rất tốt. Cuối cùng, việc sử dụng vi khuẩn có độc tố để tự vệ cho thấy khả năng tận dụng mối quan hệ cộng sinh để mở rộng khả năng thích nghi. Không phải sinh vật nào trong tự nhiên cũng có được những khả năng này giống như bạch tuộc. Và đó là những phương cách rất hiệu quả để giúp chúng “sống chung với nguy cơ” trong khi không thể loại bỏ nó.
Mai Anh