📞

Những bí quyết lãnh đạo

15:42 | 22/07/2008
Giữa tháng 7 này, Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90. Quá trình đấu tranh không mệt mỏi của ông chống lại chế độ phân biệt chủng tộc aparthaid và xây dựng một Nhà nước Nam Phi mới đã để lại bài học quý về phẩm chất của người lãnh đạo. Nhân dịp này, tạp chí Time đã có bài rút ra những bí quyết đã giúp ông Mandela thành công trong sự nghiệp.

Giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược

 

Năm 1985, khi còn ở trong tù, Mandela bắt đầu hiểu đã đến lúc Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cần chuyển từ đấu tranh vũ trang để đánh đổ chế độ aparthaid sang sử dụng các biện pháp chính trị. Cho đến lúc đó, việc đối thoại với chính phủ da trắng bị coi là tối kỵ, vì thế lúc đầu không ít người trong ANC nghi ngờ Mandela đang “bán rẻ sự nghiệp đấu tranh của họ”. Sau đó, chính Mandela đã phải kiên trì tuyên truyền, vận động để thuyết phục từ các bạn tù đến những nhân vật quan trọng trong ANC rằng chủ trương đàm phán với chính phủ vào lúc đó là cần thiết và đúng đắn. Đối với Mandela, việc ANC trước đó từ chối đối thoại với chính phủ của người da trắng chỉ là chiến thuật, còn nguyên tắc bất di bất dịch mà ông theo đuổi vẫn là lật độ chế độ aparthaid và đem lại quyền bình đẳng giữa người da đen với người da trắng thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu.

 

Dũng cảm không có nghĩa là không biết sợ

 

Năm 1994, trong một lần đi vận động bầu cử, Mandela nhận được một chiếc trực thăng nhỏ để bay tới một vùng “nóng” là Natal để thuyết trình với những người ủng hộ thuộc bộ tộc Zulu. Sắp đến giờ hạ cánh, bỗng 1 động cơ máy bay bị hỏng và một số người ngồi trên máy bay bắt đầu hoảng loạn. Nhưng riêng Mandela vẫn tỏ bình thản đọc báo một cách bình thường. Chính điều đó đã làm cho những người khác bớt sợ và giúp phi công hạ cánh an toàn. Đến khi ngồi trên ôtô đi đến nơi tổ chức mít tinh, ông mới nói “tôi đã phát khiếp” khi biết động cơ máy bay bị hỏng.

Mandela cũng công nhận không phải là không thấy lo khi hoạt động bí mật, khi bị xét xử và đặc biệt là những năm tháng bị cầm tù. Tuy nhiên, ông khẳng định: người lãnh đạo, không được để quần chúng biết về sự lo lắng của mình; ngược lại, phải gắng tạo niềm tin và là hình mẫu để người ta noi theo. Chính những người bạn tù gần gũi với Mandela sau này đã công nhận: chính cách đi thẳng đứng và kiêu hãnh của Mandela đã giúp họ trụ vững trong thời gian nghiệt ngã đó.

 

Phải làm cho quần chúng tin là họ đang ở tuyến đầu

 

 Mandela thường nói nhiệm vụ của người lãnh đạo là nói cho quần chúng biết họ cần phải làm gì; nhưng cần có trao đổi để đạt được sự nhất trí chung, trong đó không nên nhảy vào tranh luận quá sớm. Mandela thường mời các cộng sự thân cận nhất đến nhà riêng trao đổi về các vấn đề. Trong khi một số người rất muốn Mandela nhanh chóng bày tỏ quan điểm và có kết luận dứt khoát, Mandela thường kiên trì lắng nghe hết các ý kiến. Đến cuối, khi phát biểu, ông tổng hợp lại các ý kiến đã nêu rồi khôn khéo đưa ra ý kiến của mình như một sự nối tiếp các ý kiến chung, chứ không áp đặt. Mandela vẫn nói rằng sẽ là khôn ngoan khi thuyết phục được mọi người làm những việc mình muốn nhưng cho họ cảm thấy đó chính là ý kiến và quyết định riêng của họ.

 

Gần gũi, hiểu kỹ về cả địch và ta

 

Ngay từ những năm 1960, Mandela đã bắt đầu học nói tiếng của những người da trắng gốc Phi, chủ nhân của chế độ aparthaid, và đã bị không ít người phê phán về việc này. Nói được tiếng mẹ đẻ của kẻ thù, ông có thể hiểu rõ hơn được điểm mạnh, điểm yếu của chúng để từ đó vạch ra được xác đáng hơn chủ trương, biện pháp và phương thức đấu tranh của mình. Không chỉ vậy, ông còn cố gắng tạo dựng quan hệ riêng với các đối thủ, chính vì thế mà từ những kẻ coi tù đến Tổng thống PW Botha, tất cả đều có ấn tượng tốt với ông.

Là một luật sư, trong thời gian bị cầm tù, Mandela cũng đã sẵn sàng dùng kiến thức của mình giúp đỡ cả những người cai tù khi họ cần đến. Việc một người da đen đang bị cầm tù lại giúp được giới cai tù quả là một điều rất đặc biệt và nó đã giúp Mandela có thêm điều kiện hiểu và tranh thủ số này.

 

Hình thức cũng quan trọng như nội dung

 

Từ những năm 1950, Walter Sisulu là một nhà kinh doanh bất động sản lớn đồng thời là một vị lãnh đạo trẻ của ANC. Là một sinh viên nghèo của trường luật ở Johannesburg khi đó, một lần Mandela được đưa đến gặp Sisulu. Với phong cách chững chạc, dáng hình hấp dẫn, nụ cười rạng rỡ, Mandela đã để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với Sisulu. Sau này, Sisulu nói rằng điều ông quan tâm nhất khi đó là làm sao biến được ANC thành một phong trào quần chúng và việc chàng sinh viên  Mandela tới văn phòng của ông khi đó đã giúp ông tìm ra được nhà lãnh đạo cho phong trào đó.

 

Trong thời kỳ đấu tranh vũ trang và đặc biệt là sau này, trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống năm 1994, Mandela luôn ý thức rằng ở người lãnh đạo, hình thức và biểu tượng cũng quan trọng không kém nội dung trong quan hệ quần chúng. Thực tế là Mandela luôn duy trì cách ăn mặc và xuất hiện trước công chúng một cách giản dị nhưng có chủ ý rõ ràng, thể hiện được bản lĩnh, sức mạnh và tinh thần lạc quan tin vào thắng lợi cuối cùng. Ông không phải tuýp người có tài hùng biện, nhưng sự xuất hiện của ông trước công chúng vẫn thu hút được sự quan tâm của quần chúng, đặc biệt là nụ cười đôn hậu, không mang hận thù và đầy tinh thần lạc quan hướng tới tương lai.

 

Không có gì chỉ toàn trắng – đen

 

Là một nhà chính trị, Mandela có đầu óc rất thực tế và luôn nhìn thế giới trong nhiều sắc thái của nó. Mandela đặc biệt quý trọng Tổng thống Lybie Kaddafi và Chủ tịch Cuba Fidel Casto, những người đã giúp ANC và cá nhân ông rất nhiều, nhất là trong giai đoạn Mỹ còn coi Mandela là kẻ khủng bố.

 

Khi được hỏi ông đánh giá thế nào về hai người trên, Mandela gián tiếp trả lời cho rằng “người Mỹ thường chỉ nhìn nhận vấn đề một cách hoàn toàn trắng-đen, mà sự việc thực tế không phải chỉ có thế”. Mandela là người chống lại chủ nghĩa aparthaid một cách không khoan nhượng, nhưng ông hiểu rằng nguyên nhân của hiện tượng này là khá toàn diện, trong đó có cả các yếu tố lịch sử, xã hội và tâm lý.

 

Rút lui cũng là tiếp tục lãnh đạo

 

Từ bỏ những ý tưởng hoặc một chủ trương không thành công thường là một trong những quyết định khó khăn nhất của người lãnh đạo. Về nhiều mặt, một trong những di sản lớn nhất mà Mandela để lại với tư cách Tổng thống Cộng hòa Nam Phi chính là việc ông quyết định ông từ bỏ chức vụ tối cao đó ngay khi kết thúc nhiệm kỳ đầu.

 

Khi lần đầu được bầu làm Tổng thống vào tháng 5/1994, Mandela đã có thể giành được cho mình quy chế Tổng thống suốt đời để bù lại những năm tháng ông bị cầm tù. Đó cũng là điều tối thiểu mà nước Nam Phi có thể làm cho ông do những hy sinh, đóng góp to lớn của ông cho đất nước này. Nhưng ông đã không làm như vậy mà quyết định rút lui khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6/1999. Trong lịch sử ở châu Phi, chỉ có vài vị Tổng thống được bầu ra đã tự nguyện rút lui khi còn đương nhiệm.

 

Mandela hiểu rằng một lãnh tụ cần lãnh đạo bằng những sự lựa chọn do mình đưa ra, chứ không phải bằng những việc cụ thể mình làm được trong quá trình thực hiện sự lựa chọn đó. Rõ ràng là 27 năm trong tù của chế độ aparthaid đã giúp Mandela rất nhiều, làm cho ông trở nên cân bằng hơn, kỷ luật hơn. Và trên hết là chín chắn hơn, trưởng thành hơn - như ông đã tự nhận.           

           

Minh Khuê (gt)