Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội dọn vệ sinh tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: Báo Nhân dân)) |
Theo thống kê, dịp cuối năm, lượng rác tại Thủ đô thải ra môi trường lớn hơn những tháng khác trong năm; nguy cơ ùn ứ rác dịp này tại địa bàn rất cao, nếu không có những phương án vận chuyển, xử lý từ sớm. Trong những ngày giáp Tết cổ truyền, hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vẫn gồng mình trong giá rét, chống ùn ứ rác, giữ cho môi trường Thủ đô luôn sạch, đẹp.
Khác với những công việc khác, càng những ngày lễ tết, công nhân môi trường đô thị lại càng phải làm việc vất vả hơn. Tết Nguyên đán, các gia đình, công sở, doanh nghiệp, xí nghiệp… đều có nhu cầu lau dọn, sắp xếp loại bỏ những vật dụng dư thừa. Bao nhiêu rác thừa, giấy, vải, gỗ, ni lông… đều được mang ra đổ thùng rác. Vì thế, ngày Tết công nhân môi trường phải làm việc rất cực nhọc, phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Để tận mắt chứng kiến và cảm nhận rõ hơn công việc của người công nhân quét rác ngày cận Tết, tôi đã "nhập vai" cầm chổi tre cán dài, nặng trịch và bắt đầu công việc. Quét được khoảng hơn hai chục mét đường, nhưng người đã bắt đầu nóng ran do phải xả sức vung chổi, lùa rác về chỗ xe thu gom.
Là một người gắn bó với công việc thu gom rác tại quận Hoàn Kiếm đã hơn 20 năm, chị Ninh Thị Loan, Tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường số 1, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị - Chi nhánh Hoàn Kiếm tâm sự, việc quét phải được thực hiện đều tay để duy trì công việc cho đến hết ca để hoàn thành khối lượng rác được giao.
Ngoài quét, người công nhân còn phải dùng xẻng và chổi xúc rác rồi đưa vào thùng, đẩy xe gom đến nơi tập kết. Công đoạn này là “vắt” nhiều sức của người công nhân. Nhưng theo chị Loan, công việc nặng nhọc và vất vả nhất vẫn kể là những ngày giáp Tết, nhất là ca làm việc chiều 30 và đến sáng mùng 1 Tết.
"Vì tối 30 Tết người dân khắp nơi đổ về hồ Hoàn Kiếm chơi, xem bắn pháo hoa. Và cũng như một lẽ tự nhiên, rác cũng vì thế mà rác phát sinh nhiều hơn. Đáng nói, nhiều bạn trẻ, sau khi đi chơi đêm đón Giao thừa vứt túi ni lông ra đường, khi gặp trời mưa phùn, túi nằm bẹp dính xuống mặt đường, quét khó, chúng tôi phải nhặt từng cái túi như thế cho đến tận rạng sáng mùng Một, để sang một năm mới, đường phố tươm tất, sạch đẹp. Do đặc thù công việc, chừng ấy năm công tác chưa năm nào tôi được đón Giao thừa ở nhà", chị Loan chia sẻ.
Là doanh nghiệp lớn của thành phố chuyên về thu gom, xử lý rác thải, nên trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị (Urenco) đã xây dựng kịch bản từ ngày 13/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023 (tức từ ngày 22 tháng chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão), thực hiện thu dọn rác tại các khu vực các quận, huyện và tuyến đường Đại Lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp…được phân công.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, văn nghệ, bắn pháo hoa, công ty có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tổng vệ sinh trên toàn bộ địa bàn được giao vào sáng thứ Bảy hằng tuần.
Ngoài ra, tại các điểm công cộng, Urenco cũng chuẩn bị: các nhà vệ sinh công cộng lưu động để lắp đặt tại các nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu; lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ các nhà vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, tại các khu vực công cộng, lãnh đạo Urenco chỉ đạo công nhân duy trì thủ công để duy trì nhặt rác ngày kết hợp với tuyên truyền vận động người dân không xả rác ra đường và nơi công cộng; Rà soát, duy trì đảm bảo các thùng rác, xe gom, hòm đồ và các điểm tập kết xe gom luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Đối với vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long và Võ Nguyên Giáp, quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, huyện Mỹ Đức, Urenco bố trí các phương tiện đảm bảo duy trì vệ sinh môi trường các tuyến đường, tổ chức thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày.
Về việc vận hành các khu xử lý rác thải (bãi rác), ông Nguyễn Hữu Tiến Tổng Giám đốc Urenco cho biết thêm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, xe máy thiết bị, lao động phục vụ sản xuất cho công tác quản lý, vận hành khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn và khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội), ngày 17/1 (tức 26 Tết Nguyên đán), công nhân môi trường của Hợp tác xã Thành Công hăng say làm việc. Các xe máy được cải tiến, chở theo công nhân đi sâu vào các ngõ nhỏ để thu gom rác. Đang nhanh tay nhặt những túi rác cho lên xe, anh Nguyễn Trong Hải, quê Nam Định cho biết, anh đã đã gắn bó với Hợp tác xã hơn 10 năm và năm nào cũng tham gia dọn vệ sinh dịp Tết. Công việc ngày Tết tuy vất vả nhưng cũng được Hợp tác xã quan tâm, tặng quà, kịp thời động viên anh, em công nhân làm việc.
Tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), càng cận Tết đường phố càng trở nên sáng, xanh, sạch đẹp hơn. Trên các tuyến đường phố đều có những thùng rác được đặt sẵn, tiện cho người dân vứt rác, sau khi lau dọn nhà cuối năm.
Theo Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Sơn Tây, lượng rác trên địa bàn những ngày gần Tết tăng cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Do đó, Công ty đã huy động thêm nhân lực để thu dọp kịp thời, không để tồn đọng rác thải trong ngày. Vất vả là thế, hy sinh là thế, nhưng đâu phải ai cũng hiểu được và chia sẻ với công nhân môi trường.
Mặc dù công việc của công nhân môi trường khá nặng nhọc, độc hại, thu nhập còn thấp nhưng hiện nay một số người dân vẫn còn thản nhiên vứt rác ra đường... Ít ai biết những công nhân vệ sinh phải hy sinh niềm vui riêng của bản thân để phục vụ xã hội. Nhiều đêm mưa dầm họ vẫn đội áo mưa để đi làm. Nhiều ngày nắng cháy họ vẫn phơi mặt để quét đường, dọn rác...
Dẫu biết rằng nghề nào cũng phải đánh đổi, hy sinh, nhưng có lẽ nghề lao công được coi là nghề đặc thù, có những cống hiến thầm lặng. Dù cho công việc dọn rác vất vả, đi sớm về khuya, nhưng đối với họ, việc có thể góp sức làm cho Thủ đô xanh, sạch, đẹp dường như cũng là một niềm hạnh phúc, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về.