Thời gian qua, trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên tục hứng chịu thất bại quân sự, mất dần lãnh thổ kiểm soát, thế giới lại chứng kiến hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố tự phát từ những “con sói đơn độc” với số lượng ngày càng tăng và hình thức biến hóa chưa từng có.
Vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” ở gần tòa nhà Quốc hội Anh, ngày 22/3, khiến 5 người chết và 40 người bị thương. (Nguồn: CNBC) |
Lan tỏa sự sợ hãi
Chỉ mới hơn ba tháng đầu năm 2017, thế giới đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố có chủ đích: một người đàn ông lái xe gây thương vong cho hàng chục người đi bộ ngay sát Tòa nhà Quốc hội Anh, thiết bị nổ tự chế trên chuyến tàu điện ngầm St. Petersburg (Nga), xe tải lao vào đám đông ở trung tâm thủ đô Stockholm (Thụy Điển)... Đáng chú ý, các cuộc tấn công đều nhằm vào dân thường ở trung tâm các thành phố lớn của châu Âu với mục đích lan tỏa nỗi sợ hãi.
Mặc dù trong những năm gần đây, thế giới không còn xa lạ với các vụ tấn công khủng bố đẫm máu như đánh bom tại London năm 2005, cuồng sát tại Pháp năm 2012 hay vụ bắt cóc con tin tại Sydney năm 2014… Tuy nhiên, điểm khác biệt trong các vụ tấn công khủng bố gần đây là những kẻ thực hiện không hoạt động theo nhóm, tổ chức – vốn dễ bị phát hiện và triệt phá – mà chuyển sang hoạt động khủng bố độc lập, đơn lẻ.
Chưa có giải pháp đối phó
Sức mạnh tập thể tạo nên sức mạnh của bầy sói. Tuy nhiên, những “con sói đơn độc” cũng không kém phần nguy hiểm: chúng không có đồng phạm, không tổ chức, không mạng lưới, không kế hoạch kỹ càng. Tất cả đều nhỏ lẻ, mơ hồ nhưng khi ra tay lại hết sức tàn độc, chớp nhoáng, đầy bất ngờ, rất khó bị phát hiện và ngăn chặn.
Hung thủ có thể là bất cứ ai xung quanh ta: một giáo viên tận tụy, một lái xe tốt bụng, người hàng xóm cởi mở thường ngày. Chính vì vậy, cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật ở châu Âu với các biện pháp kiểm soát an ninh gắt gao, trang bị vũ khí đến tận răng, vẫn gần như bất lực vì chưa có giải pháp đối phó hữu hiệu.
Điều nghịch lý là hoạt động của các con sói đơn độc đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh chưa bao giờ Nhà nước Hồi giáo IS đứng trước nguy cơ bị xóa sổ lớn như hiện nay kể từ khi ra đời năm 2006. Chỉ tính riêng trong năm 2016, IS mất gần 1/4 lãnh thổ mà chúng kiểm soát.
Có ít nhất bốn nguyên nhân chính lý giải sự gia tăng các vụ tấn công do “sói đơn độc” tiến hành. Thứ nhất, lối sống biệt lập, khoảng cách giàu nghèo quá lớn giữa những người Hồi giáo và người châu Âu bản địa và tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên Hồi giáo khiến họ là đối tượng dễ bị lôi kéo, tham gia vào các nhóm có tư tưởng và hành động cực đoan.
Thứ hai, sự gần gũi về địa lý giữa châu Âu và khu vực bất ổn Trung Đông, Bắc Phi khiến châu Âu trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng người Hồi giáo tị nạn khổng lồ những năm qua. Không ít trong số đó là các phần tử Hồi giáo cực đoan trà trộn và chỉ chờ thời gian thích hợp là hành động.
Thứ ba, việc sử dụng “sói đơn độc” là cách IS chủ động phân tán lực lượng, vừa tiến hành các hoạt động khủng bố ở châu Âu để gây thanh thế, vừa phân tán bớt sức ép quân sự từ bên ngoài.
Cuối cùng, việc các cơ quan an ninh châu Âu hoạt động mạnh và kiểm soát chặt chẽ người nhập cư khiến các hoạt động tấn công khủng bố theo nhóm có tổ chức như trước đây ngày càng khó thực hiện và dễ bị triệt phá.
Một người bị thương trong vụ tấn công ở London ngày 22/3 được đưa tới bệnh viện. (Nguồn: Reuters) |
Những bước đi cần thiết
Trên phạm vi toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố trong năm 2016 đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, câu chuyện “con sói đơn độc” hiện vẫn hoàn toàn bế tắc và chưa có lời giải khi chính phủ và các cơ quan bảo vệ luật pháp châu Âu chưa thể tìm ra một chiến lược hữu hiệu đối phó với các cuộc tấn công này.
Dù vậy, châu Âu cần gấp rút triển khai một loạt các biện pháp tổng hợp sau. Đầu tiên, châu Âu tìm cách hạn chế chính sách nhập cư đối với người Hồi giáo vốn đã bị thả lỏng trong thời gian qua và kiểm soát chặt chẽ những người có khả năng gây nguy hại cho xã hội.
Cùng với đó, các nước ở “lục địa già” cần tăng cường bộ máy an ninh nội địa, song song với việc thúc đẩy các chính sách giúp người Hồi giáo, đặc biệt là thanh niên, hội nhập tốt hơn vào các xã hội phương Tây nhằm xóa bỏ tư tưởng hận thù, cực đoan – mầm mống của các hoạt động khủng bố.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động ngoại giao, quân sự, châu Âu cần chấm dứt càng nhanh càng tốt các lò lửa gây bất ổn ở các khu vực xung quanh như Bắc Phi – Trung Đông, bên cạnh các biện pháp thắt chặt an ninh biên giới.
Hiện khó có thể nói những biện pháp này sẽ loại bỏ hoàn toàn hiện tượng sói đơn độc, tuy nhiên đây là những bước đi đầu tiên và hết sức cần thiết. Sâu xa hơn, chính người châu Âu phải trả lời những câu hỏi cốt lõi rằng liệu họ đã sẵn sàng hy sinh các nguyên tắc nhân đạo, giá trị nhân văn và sự tự do của mình để đổi lấy cuộc sống thực dụng và an toàn hơn hay chưa. Câu trả lời hiện vẫn còn bỏ ngỏ.