Gian khổ, nguy hiểm, nhưng vẫn còn rất nhiều người không chịu từ bỏ giấc mơ đến "miền đất hứa" (Ảnh minh hoạ) |
Ba tuyến đường vượt biên vào châu Âu
Hiện nay, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, hay chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có "chính sách mềm" với người nhập cư tại EU.
Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), ước tính từ năm 2016, hơn 90% người di cư trên hành trình đi tìm "miền đất hứa" đã ít nhất một lần sử dụng "dịch vụ" của những kẻ buôn người. Trong khi cảnh sát Pháp lại cho rằng 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người, được tổ chức chặt chẽ và thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu và đối phó với các biện pháp kiểm soát của cảnh sát.
Theo các chuyên gia, các con đường chính để vào châu Âu hiện nay chủ yếu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính.
Một là tuyến đường trung tâm, nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy, hoạt động mạnh nhất vào năm 2016 và 2017. Nhưng vì hành trình dài và nguy hiểm, số người di cư qua ngả này ngày càng giảm, với khoảng 12.000 người trong 9 tháng đầu năm nay.
Hai là tuyến đường phía Tây, nối Maroc và Tây Ban Nha, được sử dụng nhiều hơn: trên 17.000 người đã đến Andalusia (Tây Ban Nha) từ đầu năm nay. Tuyến đường phía Đông với Hy Lạp là điểm đến đầu tiên vẫn luôn đông đúc nhất, với con số 40.000 người di cư trong năm 2019.
Ba là có một số ngả đường khác, đi qua Nga hoặc Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp từ Bắc Âu và Scandinavia, thường được sử dụng để đưa những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Á vào Anh. Hồi đầu năm, tòa án Anh đã kết án 7 thành viên của một băng nhóm buôn người tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội "âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh", trong đó có cả người Việt Nam.
Nhưng dù đi bằng con đường nào, cuối cùng, những người muốn thực hiện “giấc mơ” đến những “miền đất hứa” cũng đều bằng cách trốn trên các con thuyền cao su nhỏ bé và mong manh hoặc trốn trong các thùng xe đông lạnh để tránh việc bị các thiết bị quét tầm nhiệt của an ninh biên giới.
Châu Âu mạnh tay truy quét tội phạm buôn người
Trong bối cảnh dòng người di cư vẫn không ngừng đổ về Địa Trung Hải, đáng lo ngại là nhiều người trong số này đã bị rơi vào tay những kẻ buôn người và bị bán như những nô lệ, bị cưỡng bức lao động, bị gán nợ, bị cưỡng bức hôn nhân, bị lạm dụng tình dục…, các nước châu Âu cũng đã khẩn trương và mạnh tay siết chặt các biện pháp chống nạn buôn người.
Trong nhiều tháng qua, Cơ quan cảnh sát châu Âu châu Âu (Europol) cùng cảnh sát các nước Đông và Nam Âu đã truy quét nhiều tổ chức buôn người. Từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, cảnh sát từ Slovenia, Bosnia và Herzegovina, Italy, Croatia, được hỗ trợ bởi Europol, đã bắt hơn 150 người di cư được vận chuyển trái phép từ Slovenia đến phía Đông Nam Balkan và sau đó vào Italy. Các nghi phạm là công dân của Slovenia, Croatia và Serbia, những người di cư là người Syria, người Iraq, người Iran, người Eritrea và người Afghanistan. Những kẻ cầm đầu đường dây buôn người này gây nguy hiểm cho những người di cư lậu bằng cách lái xe liều lĩnh, lái xe sau khi uống rượu hoặc đưa một số lượng lớn người di cư vào các phương tiện giao thông thiếu an toàn.
Theo Europol, thời gian qua cơ quan này đã nhận được hàng trăm nguồn tin quan trọng và nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành sau đó. Europol đã hỗ trợ các cuộc điều tra của chính quyền ở các nước Balkan. Cố vấn cảnh sát biên giới Bosnia và Herzegovina, ông Svevlad Hofman cho biết, nếu hoạt động buôn người không bị gián đoạn, các đường dây này sẽ kiếm được tới 450.000 euro khi đưa được số người di cư trái phép trên vào Italy. Ông Hofman nhấn mạnh rằng Bosnia và Herzegovina mong muốn sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) để cung cấp cho cảnh sát Bosnia và Herzegovina thêm nhân lực cùng hỗ trợ kỹ thuật với trang bị như của lực lượng cảnh sát biên giới ở phương Tây.
Trong khi đó tại Anh, từ đầu năm 2019 tới nay, lực lượng chức năng nước này cho biết đã ngăn chặn được hơn 1.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tuy nhiên, con số người nhập cư bất hợp pháp "thành công" thì chưa rõ. Theo báo chí Anh, thống kê năm 2018 cho thấy có khoảng từ 300.000 đến hơn 1 triệu người đang sống bất hợp pháp ở Anh. Chính quyền Anh vào tháng 3-2019 còn cho biết đã ra quyết định trục xuất hơn 600.000 người nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy họ đã rời đi. Tuy vậy, một số ít người di cư, do quá mệt mỏi với điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt ở Anh, đã quyết định quay trở lại Pháp.
Và sau thảm kịch 39 thi thể được phát hiện trong xe container, chính Anh ngay lập tức lên kế hoạch thắt chặt an ninh nhằm ngăn chặn một thảm kịch tương tự trong tương lai. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel ngày 28-10 cho biết Anh đã nhận được sự cho phép từ chính quyền Bỉ về việc triển khai thêm các nhân viên thực thi di trú Anh tới cảng Zeebrugge của Bỉ để tăng cường kiểm soát an ninh tại khu vực này. Lâu nay, tuyến đường biển từ Zeebrugge (Bỉ) tới cảng Purfleet (Anh) thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư trái phép vào Anh.
Còn tại Pháp, năm 2017, cảnh sát Pháp đã ghi nhận gần 1.000 người đã vượt qua biển Manche để đến Calais. Calais là thành phố cảng miền Bắc nước Pháp, từ lâu đã trở thành một điểm nóng trong các hoạt động phòng chống nạn nhập cư trái phép của Pháp và Anh. Trước đó hồi cuối tháng 10-2016, Pháp đã tiến hành một chiến dịch giải tỏa các trại tị nạn khổng lồ ở Calais với hơn 8.000 người nhập cư bất hợp pháp, song vẫn chưa giải quyết được thực trạng này. Hàng trăm người di cư vẫn thường xuyên bám trụ tại Calais với hy vọng sẽ có cơ hội tìm được chỗ ẩn nấp bí mật trên những chuyến xe tải chở hàng từ cảng Calais vượt eo biển Manche sang Anh. Trong năm 2018, cảnh sát Pháp đã tăng cường hoạt động kiểm soát và đã phát hiện được hơn 33.000 người trốn trong các xe tải dọc bờ biển để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh.
Tại Đức, sau thảm kịch 39 người chết được phát hiện ở Anh, Bộ trưởng Nội địa Đức Horst Seehofer đã lên tiếng cảnh báo, châu Âu có thể mất kiểm soát đối với vấn đề nhập cư nếu không có sự phối hợp về thông tin. Theo ông, nếu EU không có chính sách tị nạn chung thì điều nguy hiểm là EU sẽ mất kiểm soát đối với dòng người tị nạn thêm một lần nữa. Còn theo nhận định của ông Gabor Stankovic thuộc Trung tâm Chống nhập cư lậu châu Âu, vấn đề di cư không phải là vấn đề của một quốc gia, mà là toàn bộ EU.
Trước những sự kiện đau lòng như thảm kịch 39 người chết trong xe container ở Anh vừa qua, nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người di cư cho rằng mở ra các tuyến đường hợp pháp tới châu Âu có thể được xem là một biện pháp để ngăn chặn thảm kịch tái diễn.