Toàn cảnh Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Bầu cử quốc gia diễn ra ngày 10/6 tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: TTXVN) |
Nhìn lại cuộc bầu cử, với những chỉ số về cử tri tham gia bỏ phiếu (69.243.604 cử tri, đạt 99.60%, tăng 0,25% so với kỳ bầu cử trước), sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của dư luận, truyền thông trong nước và quốc tế, nhất là số lượng, chất lượng, cơ cấu ĐBQH, HĐND các cấp được cử tri tin tưởng lựa chọn đã cho thấy những kết quả toàn diện của cuộc bầu cử trong bối cảnh đặc biệt khi phải bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Những kết quả đó thể hiện niềm tin, ý thức trách nhiệm của cử tri về quyền làm chủ của mình được nâng lên. Ngày 10/6/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành Nghị quyết số 748/NQ – HĐBCQG công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV là 499 người.
Trước đó, Ủy ban bầu cử các cấp đã công bố danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND tương ứng với tổng số 265.842 đại biểu HĐND các cấp (cấp tỉnh: 3.721 đại biểu, cấp huyện: 22.549 đại biểu, cấp xã 239.572 đại biểu). Khi danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được công bố cũng là thời điểm đánh dấu thành công bước đầu của cuộc bầu cử.
Trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử ĐBQH, không kể giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách như lần này. Chúng ta vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.
Trong bối cảnh hết sức đặc biệt đó, thành công của cuộc bầu cử không thể thiếu những dấu ấn lịch sử trong công tác triển khai.
Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn sát thực tiễn
Trên cơ sở các văn bản được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành từ sớm để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành liên quan đã ban hành 140 văn bản, làm cơ sở triển khai công tác bầu cử với tinh thần khẩn trương, quyết liệt với mục tiêu tất cả vì thành công chung của cuộc bầu cử.
Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường nên có nhiều vấn đề phát sinh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành 10 văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở cập nhật, tích hợp với những nội dung đã hướng dẫn, rút kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước đây, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đánh giá cao. Tất cả vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện bầu cử, những vấn đề mới phát sinh trong điều kiện phòng, chống đại dịch được hướng dẫn, trả lời, giải đáp nhanh chóng, kịp thời.
Linh hoạt, sáng tạo phương thức tổ chức
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thay vì tổ chức bằng các hình thức trực tiếp, việc đổi mới theo phương thức trực tuyến đã được áp dụng trong quy trình bầu cử. Trước hết là tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử để kịp thời rà soát tổng thể, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban bầu cử các địa phương chuẩn bị tốt nhất để ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp.
Tiếp đến là các hoạt động hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú và hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đều được các tổ chức phụ trách bầu cử, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện đúng luật, bảo đảm sự công bằng giữa những người ứng cử và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phương thức tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đã tăng số lượng cử tri tham gia, theo dõi, tìm hiểu về tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên.
Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: TTXVN) |
Sự đổi mới này không chỉ là một giải pháp tình thế trong kỳ bầu cử đặc biệt lần này mà sẽ được Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, áp dụng trong các kỳ bầu cử tiếp theo khi diễn ra trong bối cảnh bình thường.
Hoạt động giám sát công tác bầu cử cũng được đổi mới. Bên cạnh việc thành lập các đoàn giám sát như các kỳ bầu cử khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo của Ủy ban bầu cử các địa phương. Qua đó, đã cho ý kiến chỉ đạo về nhiệm vụ cần phải thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở, đặc biệt trong thời điểm sát ngày bầu cử.
Đổi mới trong các hoạt động nghiệp vụ bầu cử
Việc bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cuộc bầu cử được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, địa phương; phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự tính và có kịch bản cụ thể, từ việc lập, niêm yết danh sách cử tri đến bổ sung các hòm phiếu phụ, các con dấu “Đã bỏ phiếu” được tích cực rà soát, triển khai; quá trình triển khai nghiệp vụ bầu cử, có sự liên thông, phối hợp giữa các tổ chức phụ trách bầu cử với các cấp chính quyền, các bệnh viện, cơ sở cách ly để bảo đảm quyền bầu cử, quyền chính trị của công dân; việc phân công thành viên Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ, trang bị bảo hộ phòng dịch đến tận nơi cách ly để cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy định.
Phát huy sức mạnh thông tin và bảo đảm an ninh trật tự
Trong công tác chuẩn bị, không thể thiếu sự chung tay góp sức của các cơ quan báo chí, truyền thông bằng việc tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau ngày bầu cử; có kế hoạch, chiến lược trong phân tầng, phân lớp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được phát huy và khẳng định vai trò quan trọng trong triển khai tuyên truyền về bầu cử. Từng tin nhắn, từng lời kêu gọi được gửi đến người dân đã thu hút sự quan tâm và động viên cử tri trên khắp cả nước phấn khởi, nô nức tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Thành công của cuộc bầu cử còn có sự tham gia tích cực, thường xuyên của lực lượng vũ trang. Mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến cuộc bầu cử đã được các lực lượng công an, quân đội chủ động, kiên quyết, kịp thời phát hiện, có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ cuộc bầu cử.
Một cuộc bầu cử với quy mô lớn sẽ khó tránh khỏi những hạn chế, những sai sót cá biệt như: Việc rà soát danh sách, phát thẻ cử tri; tỷ lệ người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở một vài nơi chưa đạt so với cơ cấu đề ra; vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã; một số khu vực bầu cử còn có nhầm lẫn trong in và đóng dấu phiếu bầu... đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền.
Những khiếm khuyết tuy không phổ biến nhưng sẽ được Hội đồng bầu cử quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử tại cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ các kỳ bầu cử sau thành công trọn vẹn hơn.
Kết quả của cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Thành công của cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Có được kết quả này chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đại đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm quý báu này được tiếp tục phát huy, tỏa sáng trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |
(*) Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Trưởng Ban Công tác đại biểu,
Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự,
Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia