Và không chỉ là những dự án trọng điểm hiện hữu như cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cầu Bãi Cháy, Metro Bến Thành - Suối Tiên… những bước đột phá trong hợp tác đã đưa Nhật Bản và Việt Nam đến gần nhau hơn qua nhiều dự án và đa lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, môi trường…
Những “cây cầu” hữu nghị
Công nghệ kỹ thuật hạ tầng của Nhật Bản được đánh giá vào loại hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay và những công nghệ hiện đại đó đã và đang được triển khai một cách hiệu quả tại Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua con số 30,5 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam từ năm 1992 đến hết 31/3/2017, trong đó Nhật Bản đã dành tỷ lệ rất lớn vốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nguồn ODA đó vẫn đang tiếp tục được đầu tư ngày càng lớn và hiệu quả cho Việt Nam.
Cầu Nhật Tân. |
Nhờ sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng giao thông có quy mô đầu tư lớn, công nghệ thi công hiện đại và phức tạp, trên các tuyến quốc lộ trọng yếu và xuyên suốt chiều dài đất nước, như Cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Metro Bến Thành - Suối Tiên, hầm Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy… Có thể nói, dấu ấn Nhật Bản có mặt ở hầu hết các công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm của Việt Nam, tập trung giải quyết tốt các nhu cầu cấp thiết trong đời sống của người dân và đặc biệt có giá trị lớn tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Cầu Nhật Tân, còn gọi là cầu hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, dài gần 4 km, bắc qua sông Hồng là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam và cũng là cây cầu hiếm có trên thế giới với công nghệ 6 nhịp dây văng liên tục. Dự án Nhà ga T2 là nhà ga hàng không lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2014, dự án đã không chỉ giúp giảm tải cho Nhà ga T1, mà còn góp phần đưa sân bay Nội Bài lọt vào danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á. Nhà ga T2 thực sự là “cây cầu” nối Thủ đô Hà Nội với thế giới.
Được biết, trong danh sách dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới, tiếp tục có những công trình quy mô rất lớn, thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt. Trong đó có thể kể đến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và đoạn Nha Trang - Phan Thiết, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài…
Bước chuyển mới trong nông nghiệp
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam - Nhật Bản thực sự đã có bước đột phá từ năm 2014, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tiếp sau đó, vào tháng 9/2015, hai bên đã ký kết “Tầm nhìn chung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
GS. Nguyễn Đình Đức, GS. Hironori Kato và các sinh viên ĐH Việt Nhật thực tập tại công trường thi công đường hầm Metro (Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, TP. Hồ Chí Minh). (Nguồn: Vju) |
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã trở thành điểm đến hút vốn đầu tư, đứng thứ 3 trong cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Với khoảng 40 doanh nghiệp Nhật Bản, có tổng mức đầu tư trên 200 triệu USD, doanh nghiệp Nhật không chỉ giúp Việt Nam về kỹ thuật để sản xuất được những sản phẩm chất lượng, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, như xoài Cát Chu và thanh long, các chương trình hợp tác nông nghiệp chất lượng cao đã và đang được các doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến mạnh mẽ, như một chuỗi dự án tại tỉnh Nghệ An: Dự án trồng gừng vàng xuất khẩu; Dự án trồng chè xanh xuất khẩu sang Nhật Bản và tiêu thụ trong nước, Dự án chăn nuôi gà...
Trong xu thế phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, cơ hội hợp tác trong ngành nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản rộng mở hơn bao giờ. Trong khi Nhật Bản cần một đối tác chủ chốt để phát triển hợp tác nông nghiệp, thì Việt Nam cũng đang rất cần có đối tác lớn để phát triển những tiềm năng vốn có. Từ đó, nông nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm làm nông nghiệp của Nhật Bản, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Khởi nguồn từ con người
Nói về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhiều lần Thủ tướng Shinzo Abe đã sử dụng từ “bạn bè thân thiết”, “dựa trên lòng tin”. Thật vậy, từ những hành động cụ thể của người Nhật, trong tiềm thức nhiều người Việt Nam, người dân, đất nước, cũng như nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là có uy tín và đáng tin cậy.
Quan hệ hợp tác về đào tạo con người giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Nhưng với nhiều dự án đầu tư ngày một tăng mạnh về số lượng và quy mô, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản trở nên vô cùng cấp thiết.
Trường Đại học Việt Nhật ra đời trong hoàn cảnh đó, với mục tiêu tận dụng thế mạnh về khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp quản và chuyển giao những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho Việt Nam; đồng thời có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.
Định hướng là trường đại học nghiên cứu tiên tiến, ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình học chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành trên chính các dự án hợp tác thực tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, có thể kỳ vọng đây là ngôi trường đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân hai nước gửi gắm niềm tin và hy vọng.