📞

Những di sản khảo cổ huyền bí nhất thế giới

09:02 | 21/05/2013
Rất nhiều di sản của thế giới cổ đại vẫn luôn là đề tài thu hút quan tâm của dư luận bởi những điều huyền bí xung quanh chúng.
Đại kim tự Tháp, Ai Cập.

Đại kim tự Tháp, Ai Cập

Đại Kim Tự Tháp có thể đã được xây dựng trong khoảng thời gian năm 2589 - năm 2566 trước công nguyên (TCN). Đại Kim Tự Tháp là kiến trúc cao nhất và lâu đời nhất của quần thể kim tự tháp Giza. Trong khi nhiều kỳ quan cổ đại khác chỉ còn là tàn tích thì công trình này vẫn đứng sừng sững thách thức thời gian. Theo sử gia Herodotus, Đại kim tự tháp đã được xây dựng trong vòng 30 năm dưới bàn tay lao động cần mẫn của khoảng 100.000 nô lệ. Một giả thuyết khác cho rằng, quần thể kiến trúc khổng lồ này đã được chính các nông dân Ai Cập đã xây dựng nhằm chống lũ lụt sông Nile. Có lẽ người xưa đã vận dụng sức nước để vận chuyển các khối đá khổng lồ này.

Hình vẽ trên cao nguyên Nazca

Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca đã tạo nên một "vườn hình học" tại sa mạc Nazca, một sa mạc khô cằn rộng lớn. Chúng được tạo nên trong suốt thời kỳ nền văn hóa Nazca tại khu vực này, giữa năm 200 TCN tới năm 600.

Những hình vẽ được chụp ảnh lần đầu tiên khi máy bay bay qua sa mạc Peru trong thập niên 1920 cho thấy "những dải đất nguyên thuỷ" trên mặt đất phía dưới. Khi sỏi đã được quét đi, chúng phản xạ ánh sáng bên dưới và những đường kẻ được nhìn thấy rõ hơn.

Nhưng điều bí ẩn ở đây là tại sao những người cổ đại lại tạo ra những đường vẽ khổng lồ đó. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra giải thích phương pháp tạo dựng cũng như động cơ thực sự của hành động đó. Lý thuyết khảo cổ được chấp nhận cho rằng người dân Nazca tạo ra các hình vẽ chỉ với những dụng cụ thiết bị đo đạc đơn giản. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng hiện còn giải thích "tại sao" các hình vẽ lại được tạo ra, vì thế động cơ thực hiện của người Nazca hiện là bí ẩn khó giải đáp nhất. Đa số tin rằng động cơ thực sự là tôn giáo, rõ ràng việc tạo ra các hình ảnh chỉ để cho các vị thánh trên trời chiêm ngưỡng.

Đền Gobekli Tepe

Gần thành phố cổ Urfa ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Đền Gobekli Tepe lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt. Di tích được biết đến là một trong những khám phá khảo cổ học đáng ngạc nhiên nhất mọi thời đại.

Gobekli Tepe còn được ghi nhận là ngôi đền cổ nhất thế giới với những đoạn tường thành bằng đá hùng vĩ, được thiết kế tinh xảo, có niên đại cách đây khoảng 11.000 năm. Chúng được tạo dựng bởi người Tiền sử, có lẽ vào thời đó cũng chưa xuất hiện các công cụ bằng kim loại hay thậm chí là gốm.

Vòng tròn đá Stonehenge

Stonehenge là một đài tưởng niệm bằng đá có từ thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng cách Salisbury khoảng 13 km về phía Bắc nước Anh. Các nhà khảo cổ cho rằng các cột đá này được dựng lên từ khoảng 2500-2000 trước Công nguyên dù các vòng đất xung quanh được xây dựng sớm hơn, khoảng 3100 năm trước Công nguyên.

Nhiều nhà học giả đã tin rằng Stonehenge chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Một khi Stonehenge hoàn thành sẽ như một tượng đài tráng lệ. Điều này không thể được chứng minh bởi một nửa số đá đã bị mất tích, và nhiều lỗ đặt đá chưa bao giờ được tim thấy. Các nhà khảo cổ Anh cũng phát hiện bản sao bằng gỗ của bãi đá cổ Stonehenge ngay chính tại công trình nổi tiếng này. Phát hiện trên được giới khảo cổ Anh coi là phát hiện thú vị nhất tại di tích Stonehenge trong 50 năm qua.

Năm 1986, di chỉ Stonehenge cùng những công trình kiến trúc bao quanh nó đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.

Lục địa Atlantis, Hy Lạp

Atlantis ("Đảo Atlas") là một hòn đảo huyền thoại, được đề cập lần đầu tiên trong các đối thoại Timaeus và Critias của Plato. Mặc dù Atlantis được xem là đạt tới đỉnh cao vinh quang hơn 11 nghìn năm trước, nhưng nó chỉ xuất hiện trong thư tịch khoảng 2.350 năm trước, từ 359 đến 347 năm trước Công nguyên. Câu chuyện về thành phố Atlantis thất lạc - một xã hội phát triển bị sụp đổ vào thời cổ đại - vẫn là đề tài nóng hổi thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà khảo cổ học từ nhiều năm nay.

Phan Mích (tổng hợp)