Lần đầu tiên áp dụng thể thức 24 đội
EURO 2016 là giải đấu đầu tiên có 24 đội tham dự sau 20 năm áp dụng hình thức 16 đội. Với thể thức mới, EURO năm nay lại có đến 6 bảng và 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất cũng sẽ lọt vào vòng knock-out.
Đây là sự thay đổi bản lề của Euro 2016, nó không chỉ đánh dấu một bước chuyển lớn trong công tác tổ chức giải đấu này, mà còn góp phần không nhỏ đến chức vô địch lịch sử của ĐT Bồ Đào Nha. Với 3 trận hòa tại vòng bảng, đội bóng của Fernando Santos vẫn lọt vào vòng knock-out với chiếc “vé vớt” thần kỳ mà UEFA tạo ra.
Dù UEFA đã đưa ra rất nhiều lời giải thích nhưng sự thật là thể thức mới này đã khiến chất lượng giải đấu đi xuống trông thấy. Khi nhắc đến những cặp đấu như Iceland - Hungary, Romania - Albania, người ta sẽ nghĩ tới các trận thuộc vòng sơ loại hay giao hữu hơn là ở một giải đấu lớn.
Cái tát vào bóng đá Anh
EURO 2016 cũng là lần đầu tiên người hâm mộ chứng kiến nhiều đội bóng thuộc khối Liên hiệp Anh tại một giải đấu lớn gồm: Scotland, Anh, Bắc Ireland, CH Ireland và xứ Wales. Cả 4/5 đội đều vượt qua vòng bảng.
Trong các đội bóng này, hiển nhiên ĐT Anh được đánh giá cao nhất với những ngôi sao như: Wayne Rooney, Joe Hart và Harry Kane. Nhưng rốt cuộc tất cả những gì đọng lại với Tam Sư chỉ là sự thất vọng. Họ để vuột mất chiến thắng trước ĐT Nga ở những phút cuối cùng, suýt thất thủ trước xứ Wales rồi hòa nhạt Slovakia trước khi thất bại tâm phục khẩu phục trước Iceland tại vòng knock-out.
Với người hâm mộ đội bóng này, EURO 2016 rõ ràng là cái tát mạnh vào sự ảo tưởng sức mạnh của cả một nền bóng đá. Thất bại ấy cũng khẳng định rằng, một giải đấu được điều hành bởi đồng tiền không thể tạo ra một đội tuyển mạnh.
Những bàn thắng muộn
Chưa có một kỳ EURO nào trong lịch sử mà số bàn thắng ở những phút cuối cùng lại đến nhiều như năm nay. Tổng cộng, người hâm mộ đã chứng kiến 29 bàn thắng đến sau phút 75. Đó hầu hết là những bàn thắng xoay chuyển cục diện trận đấu.
Với sự phát triển của chiến thuật hiện đại, việc ghi bàn ngày càng khó khăn hơn. Tính chất một mất một còn của giải đấu cúp khiến hầu hết các đội đều áp dụng lối chơi phòng ngự chặt. Trong khoảng 15 phút cuối trận – khi mà tinh thần và thể lực của hai đội đều đang đi xuống thì một khoảnh khắc lóe sáng sẽ định đoạt cả trận đấu.
Điều này còn cho thấy sự quan trọng trong việc tính toán thay người của các HLV. Việc rút một cầu thủ quan trọng ra sân quá sớm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như trong trận chung kết vừa qua, HLV Deschamps rút Payet ra quá sớm khiến ĐT Pháp thiếu ý tưởng tấn công. Trong hiệp phụ, ĐT Bồ Đào Nha thi đấu chủ động hơn và có bàn thắng định đoạt trận đấu nhờ cầu thủ mới vào sân Eder.
Tiếng vỗ tay của người Iceland
Không thể có gì khác, hình ảnh ấn tượng nhất tại EURO 2016 chính là màn trình diễn của ĐT Iceland ở cả trong và sau trận đấu. Trên sân cỏ, họ là những chiến binh Viking thực thụ với lối chơi kỷ luật và máu lửa. Dưới sự chỉ đạo của HLV Lars Largeback, Iceland đã gây bất ngờ khi thi đấu vô cùng xuất sắc và lọt vào đến tứ kết trước khi để thua ĐT Pháp với tỉ số 5-2.
Và sau trận đấu, người hâm mộ trên khắp thế giới đã phải trầm trồ thán phục màn vỗ tay ăn mừng hoành tráng của các cầu thủ và CĐV Iceland. Các cầu thủ vỗ tay trước để giữ nhịp, mỗi tiếng vỗ tay lại đi kèm một tiếng hô hùng tráng, rồi nhịp điệu tăng dần, trở thành tiếng reo hò như thiên binh vạn mã.
Một màn trình diễn “rất Viking” chắc chắn sẽ khiến cả thế giới nhớ mãi.
Nước mắt của Cristiano Ronaldo
12 năm trước, ĐT Bồ Đào Nha thất bại trước người Hy Lạp tại trận chung kết EURO. Khi đó, Cristiano Ronaldo mới 19 tuổi và đã khóc nức nở. Đó là những giọt nước mắt tiếc nuối khi phải ngậm ngùi nhìn đội bóng đã tử thủ cả trận lên ngôi vô địch.
Hôm qua, Ronaldo cũng khóc, thậm chí khóc đến hai lần. Nhưng những giọt nước mắt đó rơi không phải vì nỗi buồn bại trận nữa.
Lần đầu tiên, anh khóc vì không thể tiếp tục cùng các đồng đội thi đấu. Đó là giọt nước mắt tiếc nuối của một người đội trưởng đã gồng mình đưa đội bóng đến trận chung kết nhưng rốt cuộc lại không thể ở trên sân cùng các đồng đội đến tận phút cuối cùng.
Và lần thứ hai, anh ôm mặt òa khóc trong sung sướng khi tiếng còi mãn cuộc vang lên bởi giấc mơ đã thành sự thật. Các đồng đội của Ronaldo đã nỗ lực bù đắp cho khoảng trống mà anh để lại. Bồ Đào Nha tập trung hơn trong khâu phòng ngự và tìm cách bào mòn thể lực đối thủ. Họ đã thành công và rốt cuộc Ronaldo cũng được hưởng hương vị của thành công trong màu áo ĐTQG.
Đàn ông khóc đâu phải lúc nào cũng xấu!?