📞

Những điểm sáng hiếm hoi từ Hội nghị Liên đoàn Ả rập

06:01 | 30/03/2017
Diễn ra ngày 29/3 tại Jordan, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập (AL) được trông chờ là sẽ tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề trong và ngoài khối.

Điều khó khăn nhất trong Hội nghị lần này là tìm được những giải pháp giành được sự nhất trí chung của tất cả các nước trong bối cảnh quan hệ các quốc gia trong khối vẫn còn bất đồng.

Điểm chung hiếm hoi

Tuy các nhà lãnh đạo Ả rập hiện nay khó có thể hàn gắn các bất đồng về vai trò của Iran trong khu vực hay cuộc chiến khó khăn ở Syria và Yemen nhưng họ vẫn nhất trí ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Phát biểu với hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc các nước Ả rập sẽ đồng thuận về vấn đề Palestine để điều này sẽ được phản ánh rõ ràng trong các cuộc thảo luận của các nước Ả rập với chính quyền mới của Mỹ”. 

Phía Palestine cũng mong muốn đưa vùng Đông Jerusalem - vốn bị Israel chiếm giữ trong cuộc xung đột Israel - Ả rập năm 1967 thành thủ đô của một nhà nước trong tương lai, bao gồm vùng Bờ Tây bị Israel chiếm đóng và Dải Gaza.

Ngoài ra, theo Reuters, bản dự thảo giải pháp về vấn đề Jerusalem sẽ yêu cầu tất cả các nước Ả rập phải phản ứng trước mọi động thái di chuyển đại sứ quán tới đây dù của bất kỳ nước nào, nhưng không đề cập cụ thể tới Mỹ và Israel: “Vấn đề Palestine là vấn đề trọng tâm. Đây là nguyên nhân căn bản của cuộc xung đột trong khu vực và giải pháp cho vấn đề này là chìa khóa cho hòa bình và ổn định. Chúng tôi hy vọng có thể khởi động lại các nỗ lực để đưa các cuộc đàm phán thực chất trở lại”, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi

Hòn đá tảng chắn đường

Trước khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông Donald Trump từng cam kết dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem - động thái bị các nước Ả rập phản đối khi cho rằng điều này đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Israel ở Jerusalem.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 2/2017, ông Trump cũng bày tỏ dấu hiệu rằng ông để ngỏ khả năng giải pháp một nhà nước cho cuộc xung đột này.

Giải pháp một nhà nước mà ông Trump đề cập sẽ gây bất ổn cho cả hai bên, bởi nó sẽ đồng nghĩa với việc người Palestine sẽ bị phân biệt đối xử dưới sự cai trị của người Israel. Trường hợp người Palestine được đối xử ngang hàng với những công dân Israel khác cũng khó có thể xảy ra khi điều này sẽ đánh vào lòng tự tôn của người Do Thái.

Được biết, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah đều có kế hoạch gặp Tổng thống Trump trong thời gian sớm nhất để bàn thảo về vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 15/2. (Nguồn: GettyImages)

Còn nhiều chia rẽ

Bất đồng lớn nhất giữa các nước Ả rập là về vai trò của Iran trong khu vực, bởi nước này bị cho là đồng minh của Syria và Iraq cũng như phong trào Hezbollah chi phối Lebanon. Iran (vốn là quốc gia theo dòng Hồi giáo Shi’ite) và Saudi Arabia ủng hộ hai phe đối địch trong các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen, cũng như trong các cuộc xung đột chính trị và phe phái âm ỉ trong nhiều năm qua tại Bahrain và Lebanon. 

Mâu thuẫn chính trị ở Trung Đông đã kích động căng thẳng giáo phái giữa hai dòng Hồi giáo chính là Sunni và Shi’ite trong những năm gần đây và làm gia tăng tình trạng bạo lực. Phát biểu trong một cuộc họp với những người đồng cấp trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Jordan Safadi nói: “Chúng ta đang gặp gỡ trong một kỷ nguyên đầy khó khăn của thế giới Ả rập, vốn bị chi phối với các cuộc khủng hoảng và xung đột đang tước đi sự ổn định và an ninh mà chúng ta cần để duy trì các quyền của người dân”. 

Một quan chức Jordan tiết lộ với Reuters rằng bản tuyên bố chung của Hội nghị được cho là sẽ nêu ra lời chỉ trích Iran về việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Ả rập - cáo buộc mà Iran vẫn luôn phủ nhận. Năm ngoái, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng bao gồm đoạn nội dung tương tự như vậy. 

Quốc vương Saudi Arab Salman (phải) bắt tay Tổng thống Ai Cập Sisi (trái) tại sân bay quốc tế Cairo năm 2016. (Nguồn: Reuters)

Ánh sáng cuối đường hầm

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra lạc quan hơn về tình hình khu vực, khi mối quan hệ giữa Saudi Arabia, quốc gia giàu có nhất trong thế giới Ả rập, và Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, dần có chuyển biến tốt. Hai nước này từng là đồng minh thân cận trong nhiều thập kỷ trước khi Mùa Xuân Ả rập nổ ra năm 2011. Sau đó quan hệ hai nước đã gặp nhiều biến cố, mà gần đây là khác biệt về cách tiếp cận với cuộc chiến ở Syria và việc phân định biên giới trên biển.

Trong một động thái tích cực, hồi đầu tháng 3/2017, Tập đoàn dầu khí khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia đã nối lại việc vận chuyển dầu tới Ai Cập. Tổng thống Ai Cập Sisi cũng hy vọng sẽ có cuộc gặp song phương với Quốc vương Saudi Arab Salman tại Amman trong tuần này. 

Mustafa Alani, chuyên gia an ninh người Iraq có quan hệ mật thiết với Bộ Nội vụ Saudi Arabia, đánh giá: “Hội nghị thượng đỉnh AL sẽ mang lại kết quả - đó là quan điểm thống nhất về chính sách của Washington tại Palestine. Họ có thể bất đồng về tất cả các vấn đề khác, nhưng tôi cho rằng đây sẽ là vấn đề đạt được nhất trí”. 

(theo Reuters)