Nhỏ Bình thường Lớn

Những điều thú vị ít biết ở Wimbledon

Không chỉ là giải quần vợt uy tín và có truyền thống lâu đời nhất làng banh nỉ thế giới, giải quần vợt Wimbledon còn có những điều kỳ lạ mà có thể bạn còn chưa biết.

Với nhiều người yêu trái banh nỉ, các khán đài ở Wimbledon là một thế giới rất đặc biệt. Tại đó, khán giả ăn mặc lịch sự, trật tự ngồi xem và chỉ vỗ tay tán thưởng những pha bóng đẹp.

Khán giả

Họ như thể ngồi thưởng thức nghệ thuật trong các nhà hát. Ở giải đấu này, bạn cũng có thể gặp Nữ hoàng ở trên khán đài, được làm quen các ngôi sao Hollywood... Đó là những giá trị làm nên sự khác biệt giữa Wimbledon so với các giải quần vợt còn lại.

Wimbledon là giải Grand Slam duy nhất dành sự quan tâm đặc biệt đối với những người hâm mộ không có tiền mua vé vào sân. Kể từ năm 2008 đến nay, Ban Tổ chức luôn bố trí 500 chỗ ngồi miễn phí từ trận khai mạc cho đến vòng trận tứ kết. Vì thế, rất nhiều tín đồ quần vợt từ khắp nơi trên thế giới luôn đổ về Anh vào những ngày diễn ra giải đấu để cắm trại và xếp hàng chờ đợi cơ hội sở hữu một tấm vé miễn phí.

Vận động viên

Những tay vợt tham dự giải phải mặc trang phục màu trắng. Nếu giành quyền vào chung kết, hai vận động viên sẽ được bố trí người giúp xách túi đồ nghề thi đấu vào sân.

Năm nào cũng vậy, Wimbledon khai mạc đúng vào ngày thứ Hai của tuần cuối cùng trong tháng Sáu. Người có vinh dự đánh trái banh đầu tiên của giải luôn là nhà ĐKVĐ (năm nay là Novak Djokovic). Bất kể thời tiết có mưa hay nắng thì cú đánh ấy cũng phải được thực hiện đúng vào 13h. Bên cạnh đó, dù giải đấu có hấp dẫn đến đâu thì Chủ Nhật đầu tiên sau khai mạc cũng sẽ là ngày tạm nghỉ.

Mặt cỏ

Trước năm 2000, cỏ được sử dụng ở Wimbledon được trồng theo công thức 70% cỏ lùng và 30% cỏ đuôi trâu đỏ. Vì vậy, mặt sân không được bằng phẳng. Điều này khiến quỹ đạo bay của trái bóng khó đoán hơn. Mặt sân mềm cũng khiến bóng bay nhanh và nảy lên khá thấp. Vì vậy, dễ hiểu tại sao vào thời kỳ đó, Wimbledon luôn được coi là nơi tôn vinh những tay vợt chơi theo trường phái giao bóng lên lưới (điển hình là Pete Sampras với 7 chức vô địch).

Bước sang thế kỷ 21, sân thi đấu Wimbledon được thay thế bằng mặt cỏ mới có độ bền cao hơn. Sự phát triển của công nghệ cũng đã giúp mặt cỏ trở nên đều hơn với khoảng cách 8mm. Đất ở sân cũng được thay đổi bằng loại đất sét trộn cát, khiến bề mặt sân cứng hơn. Điều này khiến cho giải đấu không còn là nơi để những tay vợt có lối chơi giao bóng lên lưới có thể duy trì thế độc tôn. Thay vào đó, Wimbledon trở thành nơi tôn vinh những tay vợt có lối chơi toàn diện như Lleyton Hewitt, Roger Federer, Rafael Nadal hay Novak Djokovic.

“Cảnh vệ” Rufus

Một nhân vật đặc biệt trong mỗi trận đấu tại Wimbledon là chú diều hâu có tên Rufus. Nhiệm vụ của chú diều hâu này là gìn giữ cho bầu trời được yên tĩnh trong suốt thời gian diễn ra giải đấu bởi chim bồ câu luôn gây gián đoạn các trận đấu và trở thành kẻ thù số một đối với mặt cỏ.

Hãy thử tưởng tượng cảnh một tay vợt bất ngờ trượt chân do giẫm phải… phân chim bồ câu trên sân hay một khán giả giật mình vì bị bồ câu “thả bom” trúng đầu. Chưa kể, những “vị khách không mời” này còn gây ra tiếng huyên náo khó chịu, ảnh hưởng đến sự tập trung của các vận động viên. Trong những ngày giải đấu diễn ra, Rufus và người huấn luyện Imogen Davies sẽ có mặt tại Wimbledon từ 5h30 để bắt đầu nhiệm vụ của mình. “Viên cảnh vệ” này được huấn luyện để dọa bồ câu chứ không tấn công và ăn thịt chúng. Để làm được điều này, cô Davies không được để Rufus đói bụng trong khi làm việc nhưng tất nhiên cũng không được no căng diều làm cho khó bay.

XUÂN HỒNG