Chợ người nhập cư trái phép tại Calais. |
Ác mộng trước mắt
Người đàn ông gầy gò vì nghiện ngập trong căn nhà tồi tàn. Một cô bé nhoài người tìm kiếm phế liệu từ một chiếc cống. Một người đàn ông khác bị trục xuất phải sống trong túp lều lụp xụp tại khu ổ chuột… Cơn ác mộng của những người nhập cư trái phép đang trú ngụ ở Tijuana, Mexico vẫn đang hiện hữu.
Theo China Daily, hầu hết người nhập cư trái phép đều không thể vượt biên để hiện thực hóa "Giấc mơ Mỹ" và buộc lòng phải sống tạm bợ trong tình cảnh khốn cùng. Tại đây, có một trung tâm mang tên Casa del Migrante được Chính phủ Mexico hỗ trợ với mục đích giúp đỡ người bị trục xuất có cơ hội trở về quê hương.
Trong suốt năm 2014, thành phố cảng Calais ở miền Bắc nước Pháp đã trở thành điểm nóng khi lượng người nhập cư trái phép đến đây ngày càng đông. Ở đây, mỗi ngày đều diễn ra cảnh tượng hàng trăm người bị mắc kẹt mệt mỏi, đói khát rũ rượi sống tập trung. Vì vậy, khi có cơ hội là họ nhét mình vào góc kín của những chiếc xe, nín thở khi cảnh sát kiểm tra hoặc chen nhau lên một con thuyền chật chội...
Đầu tháng Một vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã cứu được hàng trăm người nhập cư trái phép trên một con tàu bị bỏ rơi trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi vùng biển phía Nam của nước này. Lực lượng bảo vệ bờ biển đã phải xoay xở để kiểm soát con tàu không còn người lái mang theo 450 người nhập cư trái phép đã bị hết nhiên liệu. Trong số người nhập cư được cứu hôm đó có 60 trẻ em và hai phụ nữ mang thai.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, giới chức Italy cứu sống hàng trăm người nhập cư trái phép khi họ đang lênh đênh trên biển. Chính phủ nước này đang phải vật lộn để giải quyết làn sóng người nhập cư gia tăng mạnh trong năm nay. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Italy, trong năm 2014 có hơn 167.000 người di cư đến nước này bằng đường biển, trong khi năm 2013 chỉ khoảng 60.000 người.
Khó tìm đường đến Anh
Theo Daily Mail, tăng trưởng dân số Anh từ lượng người nhập cư mới này đã tăng hơn 1.200% kể từ năm 1983. Số liệu khảo sát của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 15/1 cho thấy, cho đến đầu thập niên 1980, xứ sở xương mù vẫn là nước di cư ròng với số người Anh rời khỏi quê hương bản quán để tìm một cuộc sống mới ở bên ngoài nhiều hơn số người chuyển đến Anh sinh sống. Đến năm 1983, lượng nhập cư ròng chỉ là 17.000 người, tương đương quy mô dân số một làng lớn. Ba mươi năm sau, lượng người nhập cư vào Anh trong một năm đã tăng lên 209.000 người, tương đương dân số thành phố Portsmouth.
Khảo sát của ONS cũng cho thấy người nhập cư từ các nước EU đang tăng nhanh và gần ngang bằng với lượng người nhập cư từ các nước ngoài EU. Lượng nhập cư ròng đã bổ sung 1 triệu người vào dân số Anh trong năm năm qua.
Vấn nạn nhập cư trái phép đang khiến nước Anh đau đầu và gia tăng các giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Chính phủ Anh đã cam kết dành ra 12 triệu bảng nhằm phụ trợ Pháp giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào Anh thông qua Calais. Cụ thể, Anh sẽ đóng góp vào quỹ chung 4 triệu bảng mỗi năm trong ba năm tới. Khoản tiền này được sử dụng để xây dựng hệ thống hàng rào giúp tăng cường an ninh tại khu vực đậu xe của cảng, nơi mà người di cư vẫn sử dụng như một trạm nghỉ trong khi vượt biên.
Tương lai có thực ở Mỹ?
Việc Tổng thống Obama cho công bố những dự định cải cách luật nhập cư cuối tháng 11/2014 đã mang lại cho người nhập cư trái phép nhiều hy vọng. Dự luật mới có thể giúp khoảng 4,7 triệu trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ năm năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp tại Mỹ sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị đe dọa trục xuất. Ngoài ra, tất cả người nhập cư không có giấy tờ đang sinh sống tại Mỹ từ năm năm trở lên có thể nộp đơn xin giấy phép làm việc trong ba năm.
Tuy nhiên, dự định táo bạo này của ông Obama đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía đảng Cộng hòa. Theo Reuters, ông Jeff Sessions, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phân tích: "Chúng ta không thể thông qua một dự luật mà sẽ làm trầm trọng hóa tình trạng thất nghiệp của chính người dân bản địa Mỹ. Chưa kể, nếu lượng lao động hợp pháp tăng vọt sẽ khiến mức lương trung bình giảm mạnh”.
Trong khi giấc mơ Mỹ còn khá xa vời thì giấc mộng đổi đời của người nhập cư trái phép còn có nguy cơ đối diện với nạn khủng bố và buôn người. Người ta lo ngại rằng, với những chiêu thức mới, viễn cảnh đẹp đẽ mà các đối tượng buôn người vẽ ra, sớm hay muộn, những người dân nghèo sẽ như con thiêu thân lao vào lửa. Mặt khác, các chiến binh được đào tạo bài bản của IS rất có thể sẽ theo con đường nhập cư trái phép thâm nhập các quốc gia, tạo ra mối đe dọa toàn cầu.
THÀNH NAM