Với các thông tin trao đổi tại các phiên chuyên đề của Đối thoại, chúng ta có thể thấy khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nhiều thách thức có thể coi là phức tạp nhất trong lịch sử hình thành và phát triển. Vấn đề nổi bật nhất hiện nay chính là tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề hậu đại dịch Covid-19 lên an ninh lương thực của khu vực và thế giới. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?
Các vấn đề hậu đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu luôn mang lại cả rủi ro và cơ hội cho các nhóm cộng đồng và các khu vực khác nhau. Nhưng xét tổng quan thì những bất lợi gây ra lại nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt trong vấn đề an ninh lương thực. Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam khó có thể xây dựng bộ giải pháp nào để giải quyết triệt để.
Theo tôi, những giải pháp khả thi nhất chính là chấp nhận sống chung và tận dụng các yếu tố mới tạo ra từ các vấn đề này.
Ths. Huỳnh Hồ Đại Nghĩa tham dự Đối thoại chính sách "Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực" ở Tiểu vùng Mekong do Học viện Ngoại giao và Trung tâm Stimson (Mỹ) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18-19/3. |
Thứ nhất, cần tận dụng vấn đề xâm nhập mặn để xây dựng hệ thống nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ. Điều này sẽ giúp mở rộng cụm ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản của vùng, nâng cao khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu nước ngoài. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long phải đầu tư nghiên cứu thêm nhiều giống lúa chịu hạn mặn tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng gạo.
Thứ hai, xây dựng mức độ ưu tiên các chính sách hỗ trợ dành cho lĩnh vực thuỷ sản (sử dụng nước mặn) ngang bằng với các chính sách về lúa gạo, trái cây (sử dụng nước ngọt). Điều này sẽ giúp cân đối cơ cấu nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Thứ ba, phát triển các mô hình du lịch sinh thái cho những khu vực ngập mặn. Điều này sẽ giúp tận dụng tối đa cảnh quan thiên nhiên trong tình trạng mới và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Từ đó sẽ giúp người dân có nguồn tài chính nhằm chủ động đa dạng nhu cầu đối với lương thực, giảm sự phụ thuộc vào lương thực truyền thống, giảm tải áp lực cho an ninh lương thực của vùng.
Thứ tư, đổi mới hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Hiện nay VFA chủ yếu đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Nhà nước, thông qua các hợp đồng tập trung giữa chính phủ với chính phủ (G2G). Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phải thúc đẩy việc liên kết các bên liên quan khác như doanh nghiệp tư nhân, nông dân trồng lúa để tăng quy mô và hiệu quả của thị trường gạo, nông sản thiết yếu.
Các đại biểu tham dự Đối thoại trao đổi về tác động của môi trường, biến đổi khí hậu tới an ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong. |
Khi đó, VFA sẽ đóng vai trò điều tiết thị trường, đảm bảo xuất khẩu không bị gián đoạn, tính toán tỉ lệ dự trữ hợp lý để khuyến nghị chính sách nhằm hài hoà giữa quyền lợi doanh nghiệp, nông dân với an ninh lương thực trong nước. Điều này sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong các kịch bản phát triển mà vẫn có thể xuất khẩu gạo để góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc tế.
Cuối cùng, hình thành một cơ chế liên kết vùng mới. Cơ chế này sẽ kết nối các tỉnh trong vùng Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam để phân công lao động theo thế mạnh của từng tỉnh và thống nhất một chính sách phát triển nương theo tình hình thế giới hậu Covid-19 và biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp xoá bỏ tính cục bộ trong chính sách của từng tỉnh hiện nay và chia sẻ nguồn lực lẫn nhau. Đây có thể được coi là giải pháp quan trọng nhất vì sẽ quyết định thành công của các giải pháp khác.
Xin cảm ơn ông!
Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng Mekong do Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Stimson (Mỹ) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Mekong-Mỹ (MUSP), từ ngày 18-19/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Trung tâm Stimson đã tổ chức 8 cuộc Đối thoại chính sách kênh 1,5 tại Tiểu vùng Mekong về các chủ đề khác nhau như kết nối, năng lượng, hạ tầng, thách thức phi truyền thống, quản trị nước xuyên biên giới, các giải pháp dựa vào tự nhiên... Đối tác Mekong - Mỹ (MUSP) là cơ chế hợp tác chính thức giữa Mỹ và các nước tiểu vùng Mekong, được nâng cấp từ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), tập trung giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên; kết nối kinh tế và phát triển nguồn nhân lực. * Ths. Huỳnh Hồ Đại Nghĩa hiện là giảng viên, nghiên cứu viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính Tp. Hồ Chí Minh (UEF) và là Deputy CEO tại JCM. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến Mekong như lao động việc làm và di cư, biến đổi khí hậu, chính trị nguồn nước, an ninh lương thực. |
| Việt Nam tích cực hợp tác chống biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực Đại diện Việt Nam cho rằng Hội đồng Bảo an (HĐBA) cần và có thể làm nhiều hơn để phá vỡ vòng luẩn quẩn của ... |
| Đối thoại về nông, ngư nghiệp và an ninh lương thực tiểu vùng Mekong lần đầu tổ chức tại Việt Nam Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm Stimson tổ chức Đối thoại chính sách kênh 1,5 về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp ... |
| Cơ hội trao đổi sâu, tìm giải pháp mới cho an ninh lương thực ở tiểu vùng sông Mekong Đối thoại lần này là cơ hội để trao đổi sâu, tìm ra những giải pháp mới cho vấn đề rất quan trọng và cấp ... |
| Tìm giải pháp mới, bền vững cho An ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng sông Mekong được tổ chức tại Thành phố ... |
| Nhiều loại cá khu vực sông Mekong đối mặt nguy cơ tuyệt chủng Các nhà bảo tồn tự nhiên thế giới cảnh báo rằng, sự phát triển không bền vững đang đe dọa sức khỏe và tính đa ... |