📞

Những khu bảo tồn liên quốc gia

15:36 | 26/04/2014
Có thể nhận thấy một hiện tượng mới - "ngoại giao khu bảo tồn" ngày càng được các nước coi trọng. Nó không những giúp cải thiện quan hệ, tăng cường hữu nghị, mà còn giúp bảo đảm tính thực thi các công ước quốc tế về biển, di sản và đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn Kavango-Zambezi.

Theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), "Một khu bảo tồn xuyên biên giới là vùng trên đất liền hay trên biển có hai hoặc nhiều đường biên giới chung giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác". Đáng ngạc nhiên, các khu bảo tồn này có lịch sử phát triển gần 80 năm từ khi xuất hiện Công viên hòa bình quốc tế Waterton - Glacier (Mỹ và Canada)…

Câu chuyện sáp nhập ở châu Phi

Thành lập vào tháng 6/2001, Khu bảo tồn xuyên biên giới Maloti-Drakensberg ra đời từ sự sáp nhập khổng lồ của vườn quốc gia Golden Gate Highlands, vườn quốc gia QwaQwa, khu bảo tồn thiên nhiên Sterkfontein Dam (thuộc các nhà nước tự do), vườn quốc gia Drakensberg, vườn quốc gia hoàng gia Natal (thuộc KwaZulu-Natal) và vườn quốc gia Sehlabathebe (thuộc Lesotho).

Với diện tích là 16.226 km² và chiều dài 300 km, khu bảo tồn này có các hệ sinh thái đa dạng với môi trường sống độc đáo và mức độ đặc hữu cao. Đây cũng là nơi có bộ sưu tập lớn nhất về nghệ thuật đá trên thế giới với hàng trăm địa điểm và hàng ngàn hình ảnh được vẽ bởi người dân bản địa Nam Phi.

Vào năm 2012, năm quốc gia khu vực Nam Phi gồm Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe đã cho ra đời một khu bảo tồn khác mang tên Kavango-Zambezi (KAZA) với mục đích chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Mục tiêu dự án là cộng đồng nông thôn địa phương sẽ được hưởng lợi từ số tiền thu được từ khu vực bảo tồn xuyên biên giới một cách công bằng giữa các thành viên.

Khu bảo tồn xuyên biên giới KAZA được coi là dự án sinh thái lớn nhất thế giới trải rộng trên 440.000km2, quy tụ được quần thể voi lớn nhất hành tinh lên tới 250.000 con với 40 khu vực được bảo vệ, trong đó có các công viên quốc gia, khu dự trữ rừng dành cho săn bắn và các khu bảo tồn cộng đồng.

Một lợi ích khác đến từ dự án này là các quốc gia cho phép thông quan qua các khu vực biên giới lâu nay vốn là vùng nhạy cảm, gạt bỏ mối bất đồng, mâu thuẫn và lợi ích riêng của từng nước. Hơn nữa, nếu thành công, KAZA sẽ giúp người dân nơi đây thoát nghèo với việc bảo tồn loài voi và bảo vệ vùng đồng bằng Okavango là ngôi nhà của nhiều loài động vật hoang dã. Đây là tin tốt dành cho du khách và cũng là tiền đề giúp ngành du lịch tại các nước này phát triển.

Làn gió mát tại vùng phi quân sự liên Triều

Ra đời khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến năm 1953, Khu phi quân sự ngăn đôi hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên dài 250 km và rộng 4 km, là nơi mà các gia đình có người thân đang sống ở phía bên kia vẫn thường tìm đến để hướng mắt trông về quê hương.

Tuy nhiên, khu vực từng được canh gác cẩn mật nhất thế giới giờ đây lại rộn rã đón khách tham quan bởi nó đã biến thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Hiện khu vực này và vùng lân cận là nơi cư trú của hơn 3.000 loài động, thực vật gồm rái cá, cừu núi, hươu xạ hương và hàng chục loài động vật quý hiếm khác.

Tháng 10/2013, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự liên Triều mang chủ đề là "Hòa bình, sự sống và đồng cảm", bà Maeng Su-jin, phụ trách việc lựa chọn các bộ phim tham dự liên hoan cho biết: "Khi nhắc đến khu phi quân sự là người ta liên tưởng đến chiến tranh. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi được hít thở bầu không khí trong lành với hệ sinh thái được bảo tồn rất tốt ở đây". Dù không chính thức được coi là một khu bảo tồn liên quốc gia nhưng, sự sống được ví như làn gió mát lành này phần nào đã thổi bay những căng thẳng trên mảnh đất vốn là hiện thân của sự chia cắt.

Xu hướng của nhiều nước

Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã phát triển mạnh và luôn được coi là vấn đề quan trọng trong các đàm phán ngoại giao đa phương và song phương.

Chẳng hạn như tháng 3/2013, Chính phủ Nga cũng ra thông báo đã thông qua thỏa thuận thành lập khu bảo tồn xuyên biên giới với Mông Cổ mang tên "Đầu nguồn sông Amur". Việc thành lập khu bảo tồn xuyên biên giới "Đầu nguồn sông Amur" (gồm Khu bảo tồn sinh quyển thiên nhiên quốc gia Sokhondinsky của Nga và Vườn quốc gia Onon Baldzhinsky của Mông Cổ) là giải pháp hữu hiệu làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giữa hai nước. Thỏa thuận trên được Bộ Tài nguyên Nga soạn thảo, phù hợp với kế hoạch hành động đến năm 2020 nhằm thực hiện Quan điểm Phát triển hệ thống những vùng tự nhiên được bảo vệ đặc biệt mang tầm quan trọng cấp liên bang.

Ở Đông Nam Á, ngoài những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế và xã hội với tác động không dừng lại ở một quốc gia, khu vực này còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường xuyên biên giới. Có thể nhìn thấy mô hình hoạt động khá hiệu quả là Khu Bảo tồn Di sản Đảo Rùa nằm trên đường biên giới của Malaysia và Philippines được ký kết từ năm 1996. Dù mô hình này còn mới mẻ, nhưng Việt Nam có đường biên giới lục địa với Trung Quốc, Lào, Campuchia và trên biển với nhiều quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei... Đó chính là cơ sở thiết lập các khu bảo tồn liên quốc gia.

Theo TS. Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Quản lý Biển & Hải đảo, Tổng cục Biển & Hải đảo), các hệ sinh thái và động vật hoang dã xưa nay vốn không có ranh giới chính trị. Do vậy, quản lý tài nguyên môi trường xuyên biên giới được coi là nhiệm vụ quốc tế của khu vực và của các quốc gia láng giềng. TS. Dư Văn Toán cũng cho rằng, thành lập khu bảo tồn liên quốc gia là nhằm cải thiện quan hệ và thúc đẩy bảo tồn tài nguyên quốc tế. Thực tiễn cho thấy, đây là một trong những cách tiếp cận dễ chịu nhất, giảm nguy cơ xung đột ở mức cao nhất so với việc chỉ thuần túy thực hiện biện pháp chính trị truyền thống.

TIẾN NGUYỄN