📞

Những lý do khiến Uber luôn đặc biệt hấp dẫn người tài

09:40 | 20/02/2017
Dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều đối thủ khác nhưng công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới – Uber đã lôi kéo được không ít nhân tài về đầu quân cho mình.

Văn hóa làm việc khác biệt

Thung lũng Silicon luôn biết cách thu hút nhân tài từ khắp thế giới. Lương cao, đồ ăn miễn phí và dịch vụ giặt là ngay tại công sở chỉ là một trong vài đặc quyền nổi bật.

Tuy nhiên, startup công nghệ nổi tiếng Uber - giá trị ước tính 68 tỷ USD lại không dựa trên những quyền lợi mà các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon thường đưa ra để lôi kéo người tài. Trên thực tế, trái ngược với những tiếng xấu về thời gian làm việc dài và áp lực công việc, Uber đã chiêu mộ được không ít những trí tuệ lỗi lạc nhất trong giới công nghệ "rũ áo" rời bỏ Google, Facebook và Twitter.

Các nhân viên đều thừa nhận, nhịp độ làm việc tại Uber vô cùng kinh khủng và áp lực. Dù vậy, Uber lại đưa ra những cơ hội độc nhất vô nhị: tăng trưởng theo “tốc độ tên lửa”, một kiểu văn hóa cho phép họ được tự do thử nghiệm triệt để những sáng tạo tại một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay.

“Tôi thích cách so sánh đặc thù công việc ở Uber với kim cương – thứ bị đè nén trong nhiệt và áp suất qua hàng nghìn năm. Những gì có thể vượt qua, tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó sẽ trở thành kim cương”, Giám đốc Công nghệ gốc Việt của Uber Thuận Phạm ví von.

Hiện Uber đang có trong tay 10.000 nhân viên toàn thời gian (ngoài lái xe), hoạt động tại 500 thành phố ở 70 quốc gia.

“Nếu một người có ý định ra đi, họ sẽ đi ngay trong năm đầu tiên vì họ không quen hoặc không nghĩ là nhịp độ sẽ nhanh như thế”, Neal Narayani, Trưởng bộ phận phân tích con người của Uber cho biết.

Melanie Curtain, người từng là trưởng bộ phận Cộng đồng của Uber năm 2013 so sánh văn hóa làm việc của công ty giống như hình ảnh những chú vịt bơi trong ao: nhìn từ bên ngoài có vẻ yên bình nhưng phía dưới lại là một guồng quay công việc vô cùng khẩn trương.

Uber hiện đang được định giá 68 tỷ USD và là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới. (Nguồn: CNN Money)

Giám đốc Công nghệ Uber Thuận Phạm nhớ lại thời điểm khi ông rời Công ty quản lý điện toán đám mây VM Ware năm 2013 để tới Uber. Khi đó, ông chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: thiết kế lại toàn bộ mã nguồn ứng dụng để xử lý mức doanh thu tăng trưởng chóng mặt. Ban đầu ứng dụng được thiết kế bởi một số kỹ sư “non” kinh nghiệm nên nền tảng này đã không thể đáp ứng được quy mô mở rộng ngày càng nhanh chóng của Uber.

“Thứ mà Uber đặc biệt thu hút ngoài nhịp độ, tốc độ làm việc, công nghệ nổi trội còn ở áp lực thời gian - điều khiến mọi người phải học hỏi thật nhanh và hoàn thành ở mức độ tốt nhất. Một năm ở đây còn hiệu quả hơn mấy năm ở nhiều nơi khác ”, Thuan Pham lý giải.

Không chỉ vậy, khi công ty càng phát triển, CEO của Uber Kalanick dù tham gia vào hầu hết các bộ phận nhưng vẫn trao quyền quyết định cho những ai mà ông tin tưởng. “Travis Kalanick luôn trực tiếp đốc thúc mọi người làm việc cật lực và đưa ra những kỳ vọng rất cao. Và khi ông ấy thấy một cá nhân hay một nhóm làm tốt, ông ấy sẽ rút lui. Đó có lẽ là cách hiệu quả nhất để giúp Uber có được tốc độ tăng trưởng vượt bậc như ngày hôm nay”, một chuyên viên của Uber cho hay.

Số lượng đơn xin việc vào Uber vẫn không ngừng gia tăng. Trên trang web đánh giá việc làm Glassdoor, Uber đạt 4,2 điểm so với điểm số trung bình 3,3, tương đương với mức điểm của nhiều hãng công nghệ hàng đầu – vốn nổi tiếng với môi trường làm việc đáng mơ ước như Google (4,5 điểm) hay Facebook (4,4 điểm).

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Khi công ty mới thành lập vào năm 2009, nhân sự của Uber phần lớn đều chưa kết hôn hay có con, cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Nhưng khi công ty phát triển, điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Nhiều người phải tự học cách thu xếp thời gian để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình.

Trưởng bộ phận hỗ trợ khách hàng khu vực Bắc Mỹ Janelle Sallenave kể lại, khoảng thời gian khó khăn nhất của bà là vào mùa thu năm trước, không lâu sau khi ứng dụng cho người gọi xe ra mắt trở lại. Sau khi bà báo cáo sự chậm trễ trong dịch vụ khách hàng với CEO Kalanick, công ty quyết định quy trình này phải nhanh hơn gấp 50 lần.

“Ông ấy yêu cầu vấn đề này phải được giải quyết ngay trong tuần tới. Điều này giống như việc phải thiết kế lại từ đầu, khiến chúng tôi vừa mệt nhưng cũng không kém phần phấn khích. Trong một tuần, chúng tôi đã làm được điều mà tưởng như phải mất 4-5 tháng để hoàn thành nếu ở chỗ khác”, Sallenave nhớ lại.

Trước khi đảm nhận vị trí mới tại Ubera, Janelle Sallenave từng tâm sự với chồng về ảnh hưởng của công việc lên cuộc sống gia đình. Bà cũng từng tâm sự với người bạn gái thân về tình trạng làm việc kéo dài không có ngày nghỉ tại đây. Tuy vậy, bà đã nhanh chóng thích nghi và cố gắng bố trí hợp lý quỹ thời gian eo hẹp cho gia đình.

Một phòng Hội thảo của Uber tại trụ sở. (Nguồn: CNN Money)

Thời gian làm việc và gắn bó với Uber cũng giúp Janelle Sallenave khám phá được nhiều điều khác biệt. “Trên thực tế, môi trường làm việc của Uber rất ấm áp, thân thiện và tuyệt vời. Đây không phải là công ty chỉ toàn dành cho cánh mày râu. Những người làm việc ở đây đều rất thông minh và họ khiến tôi muốn mình phải thông minh hơn nữa”, Sallenave nói.

Áp lực công việc kinh khủng vừa là điểm hấp dẫn song cũng là điều khiến Uber bị phàn nàn nhiều nhất. Sự thiếu cân bằng trong công việc và đời tư là điều mà nhiều người từng làm việc tại Uber than phiền trên trang Glassdoor. Một nhân viên cũ giấu tên của Uber tại San Francisco từng chia sẻ với hãng tin CNN rằng nhiều kỹ sư thường ca thán về tình trạng làm việc bị vắt kiệt sức và hầu như không có khái niệm “hết giờ làm” vì những chỉ thị quan trọng thường xuyên đến muộn.  

Níu chân những người giỏi nhất

Do xuất phát điểm là một dự án khởi nghiệp nên Uber rất hứng thú với những người đã từng khởi nghiệp. Hiện tại công ty đang có khoảng 200 nhân viên như vậy. Trước khi về với Uber, Ed Baker – Phó Chủ tịch về quản lý tăng trưởng từng là chủ của hai trang web hẹn hò khá nổi tiếng, một trang từng được Facebook mua lại năm 2011.

Baker từng làm việc tại Facebook 2 năm, tập trung phát triển tại một số thị trường cạnh tranh như Nhật Bản Và Nga. Nhưng sau đó, ông đã quyết định rời Facebook để sang Uber. “Tôi không có ý định rời Facebook, nhưng tôi bị Uber thu hút bởi vì đây là nơi để người khởi nghiệp được khởi nghiệp”, Baker cho hay. Ông đã gặp CEO Kalanick vào một buổi trao đổi ý tưởng tại nhà.

Trụ sở làm việc của Uber tại San Francisco. (Nguồn: CNN Money)

Thậm chí, để tìm được đúng ứng cử viên với nền tảng và tính cách phù hợp, Uber đã phải xây dựng thuật toán nội bộ cho bộ phận tuyển dụng kết hợp với quá trình tìm hiểu. “Tôi thích những câu hỏi tự nhiên. Tôi sẽ bỏ đi nếu thấy một ai đó quá chỉn chu”, Giám đốc Bộ phận tuyển dụng của Uber Komal Mangtani nói.

Nhưng Curtain, người từng là nhân viên của Uber tiết lộ, Uber luôn khao khát chiến thắng trong mọi lĩnh vực, kể cả tìm kiếm và giữ được nhân tài.

“Một vài năm trước khi một người trong ban lãnh đạo đề cập đến việc cải thiện hệ thống chăm sóc y tế, Uber đã ngay lập tức đầu tư thêm cho hệ thống này. Uber không muốn mất người tài vào tay những đối thủ khác vì họ có hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn. Ấn tượng của tôi là không phải họ muốn giữ những nhân viên khỏe mạnh mà là tìm và níu chân được những người giỏi nhất. Tất nhiên là họ muốn đảm bảo là nhân viên được chăm sóc, nhưng họ cũng muốn chiến thắng trong mọi vấn đề”, nhân viên này cho hay.

 

(theo CNN Money)