📞

Những năm tháng quý giá - những kỷ niệm không quên với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hoàng Bình Quân 08:00 | 01/06/2023
Mười năm, trọn vẹn 2 nhiệm kỳ, đó là những năm tháng quý giá và những kỷ niệm không quên đối với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên trái) và Tổng thống Barack Obama hội kiến tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)

Tôi làm trưởng Ban đối ngoại trung ương 12 năm thì có tới 10 năm được sự chỉ đạo trực tiếp và được chuẩn bị, phục vụ các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư. Với tôi, đó là vinh dự lớn, là môi trường, là cơ hội để tôi được học hỏi, rèn luyện và trưởng thành. Mười năm, trọn vẹn 2 nhiệm kỳ, đó là những năm tháng quý giá và những kỷ niệm không quên đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước mỗi hoạt động đối ngoại, Tổng Bí thư luôn yêu cầu chúng tôi đến báo cáo chi tiết và chỉ đạo chuẩn bị rất sâu sắc và cụ thể. Với mỗi chuyến thăm, với mỗi một quốc gia sắp đến, Tổng Bí thư luôn nghiên cứu kỹ và có những chỉ đạo phù hợp, sát thực với bối cảnh, thời điểm và mục đích hợp tác, vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa có mục tiêu cụ thể.

Mỗi lần như vậy, nhân lên trong tôi sự cảm phục, kính trọng và cầu thị học hỏi ở Tổng Bí thư những phẩm chất lãnh đạo xuất sắc, một tầm nhìn rộng mở, một tầm suy nghĩ sâu sắc, luôn biết mình, biết người, làm chủ tình thế.

Tôi muốn nhắc lại chuyến đi thăm Hoa Kỳ để làm ví dụ: Đó là chuyến thăm lịch sử, nước Mỹ trong tiền lệ chưa bao giờ đón người đứng đầu một Đảng cầm quyền, hơn thế nữa người đứng đầu nước ta thăm một nước vốn là cựu thù trong quá khứ, một chuyến thăm rất nhạy cảm chính trị. Với tầm cao chiến lược, Tổng Bí thư đã chỉ đạo chúng tôi chuẩn bị với yêu cầu “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, rất chiến lược, rất khái quát, rất nhân văn.

Và như chúng ta thấy Hoa Kỳ đã đón tiếp Tổng Bí thư rất trọng thị, bàn thảo hợp tác rất cởi mở, bình đẳng, thân thiện. Cuộc hội đàm của Tổng Bí thư với Tổng thống Barack Obama diễn ra tới 95 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, không khí hội đàm rất bình đảng, cởi mở, thân thiện và thiết thực, tiệc chiêu đãi trọng thị, rất đông quan khách với phát biểu “lẩy Kiều” của Phó Tổng thống Joe Biden.

Một chuyến thăm lịch sử mở ra một tầm nhìn mới, một giai đoạn mới trong quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Xin nói tiếp rằng, ấn tượng mạnh mẽ trong tôi còn là phong cách ngoại giao của Tổng Bí thư. Trong các chuyến thăm nước ngoài hay tiếp khách quốc tế, Tổng Bí thư không quá chú ý đến trang phục, bài trí mà có thể nói là rất giản dị, khiêm nhường, lễ tân ứng xử với khách quốc tế luôn rất chân thành, cởi mở, thân thiện với nụ cười đôn hậu, cái bắt tay nồng ấm, lúc trao đổi với khách luôn khúc triết, chặt chẽ, dí dỏm, tác phong khoan thai, phong nhã.

Các Nguyên thủ quốc gia và bạn bè quốc tế luôn ấn tượng mạnh bởi phong cách ngoại giao và trao đổi sâu sắc của Tổng Bí thư, tôi nhớ mãi lần đến thăm nước Anh, trời rất lạnh, lại có mưa bụi tuyết, khi làm lễ đón Tổng Bí thư đứng cùng lãnh đạo bạn, cả hai đều không đội mũ, lúc đó sức khỏe của Tổng Bí thư không thật tốt, đồng chí lễ tân ta vội mang chiếc mũ lông chạy ra bục định đội cho Tổng Bí thư, Tổng Bí thư khoái tay ra hiệu không nên. Tất cả chúng tôi nhìn nhau và đều hiểu Tổng Bí thư của chúng ta là thế đấy, luôn hiểu và tôn trọng bạn bè quốc tế.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, theo lời mời, Tổng Bí thư đến thăm nhà riêng của Tổng thống Bill Clinton. Lúc đó chỉ có ba người, tôi đi tháp tùng, đồng chí Vụ trưởng Tây Âu - Bắc Mỹ làm phiên dịch, hai nhà lãnh đạo - hai mái đầu bạc trắng ngồi đàm đạo rất giản dị, rất đời thường, nói chuyện đại sự mà nhẹ nhàng, dí dỏm. Cuối buổi tiếp, Tổng Bí thư hỏi Tổng thống “Kỳ này nhà bà có trúng không?” (Khi đó bà Hilary Clinton đang ứng cử tổng thống). Câu hỏi, từ dùng, cách hỏi rất thân mật, rất chân thật, rất Việt Nam làm Tổng thống Mỹ rất cảm động và ông đã chân thật trang trải với Tổng Bí thư. Tôi nhớ mãi giây phút ấy, hình ảnh ấy.

Mỗi chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư, đều có rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ, tôi và các đồng chí trong đoàn ai ai cũng cảm phục tinh thần làm việc, sức làm việc, phong cách làm việc của Tổng Bí thư.

Những chuyến bay xa, bay đêm khi trong khoang VIP và có lẽ hầu hết mọi người trong máy bay đều ngủ thì nơi ghế ngồi của Tổng Bí thư vẫn sáng đèn, Tổng Bí thư đang xem lại các nội dung hội đàm, hội kiến, các phát biểu… nhiều khi mọi người ngủ được một giấc, tỉnh dậy vẫn thấy Tổng Bí thư làm việc, dáng vẻ chắc chắn, cẩn thận và tỉ mỉ.

Mỗi khi báo cáo, làm việc với Tổng Bí thư, tôi học hỏi được nhiều về tính cẩn trọng, chi tiết, chặt chẽ trong văn bản cũng như trong chỉ đạo trực tiếp. Trước mỗi hoạt động đối ngoại Tổng Bí thư đều gọi chúng tôi sang báo cáo, hỏi tỉ mỉ, kỹ lưỡng về đối tác, đặt ra những tình huống đối ngoại, tài liệu chuẩn bị được Tổng Bí Thứ sửa rất kỹ càng, thấu đáo.

Tôi nhớ khi chuẩn bị bài nói chuyện tại Đại học Quốc gia Lào, Tổng Bí thư căn dặn là phải tìm những nét đặc sắc, những cái mới để khắc họa thật sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ về quan hệ hai Đảng, hai nước. Theo đó, bài nói đã nhắc đến truyền thuyết “Quả bầu mẹ” về nguồn gốc chung của hai dân tộc, nhắc đến chuyện “Làng trên, xóm dưới “ của hai người anh em… Tôi mãi không quên sự xúc động, niềm tự hào trên khuôn mặt, nụ cười của các bạn Lào tại Đại học Quốc gia Lào khi nghe Tổng Bí thư nói chuyện.

Hay như khi chuẩn bị nói chuyện tại trường Đảng Cuba Nicolopez, Tổng Bí thư cho chủ trương không nói lý luận chính trị thuần túy mà phân tích thế giới hiện tại để nêu bật ưu việt của chủ nghĩa xã hội, nói câu chuyện ở Việt Nam chân thực để bạn tham khảo. Với tầm cao lý luận và thực tế sinh động, bài nói chuyện của Tổng Bí thư tại trường Đảng Cuba đã tạo tiếng vang lớn ở Cuba, ở toàn Mỹ Latinh, tạo ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Trưởng ban Đối ngoại Hoàng Bình Quân trả lời phỏng vấn tại Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Còn nhiều và còn rất nhiều những câu chuyện thú vị, những kỷ niệm không quên trong hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư. Mười năm, từ 2011 tới 2021 với 21 chuyến thăm nước ngoài và rất nhiều các cuộc điện đàm, hội đàm, hội kiến, trà đàm,… của Tổng Bí thư đã đóng góp rất to lớn và quan trọng vào thành tựu đối ngoại của Việt Nam là mở rộng cục diện đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và thu hút được nguồn ngoại lực; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu quan trọng ấy đã được đúc kết sâu sắc trong câu Tổng Bí thư thường nói là “Đất nước ta chưa có bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Lý luận và thực tiễn hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư là biểu hiện sinh động của “Ngoại giao cây tre”, một trường phái ngoại giao đặc sắc của thời đại Hồ Chí Minh mà đích thân Tổng Bí thư nêu ra. Một trường phái ngoại giao thấm đượm tâm hồn, khí phách Việt Nam với triết lý “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, là biết cương, biết nhu, biết tiến, biết thoái, là “Dĩ biết biến ứng vạn biên”, kiên quyết, kiên cường nhưng mềm mại, khôn khéo. Kiên định về nguyên tắc, mục tiêu nhưng linh hoạt, sáng tạo về phương pháp,…

Tôi thiết nghĩ rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thấm nhuần triết lý và thực hành hiệu quả trường phái “Ngoại giao cây tre” là vô cùng quan trọng của nền Ngoại giao nước nhà.

Tôi muốn nói nhiều, muốn kể lại nhiều nhưng trang dòng không cho phép, xin bộc bạch đôi điều để bày tỏ sự kính trọng và cảm phục đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta.