📞

Những người bạn đến từ ‘mái nhà chung’ ASEAN

Phạm Hằng 14:15 | 16/09/2022
Trung tuần tháng Chín, Việt Nam đón hai “khách quý” đến từ “mái nhà chung” ASEAN là Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin (thăm chính thức từ ngày 12-14/9) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Điều phối Chính sách Kinh tế Singapore Heng Swee Keat (thăm chính thức từ ngày 11-15/9).

Trong các chuyến thăm, có những câu chuyện riêng về quan hệ Việt Nam-Campuchia hay Việt Nam-Singapore, song cũng có câu chuyện chung về phát triển Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN)

Luôn sát cánh bên nhau

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin, người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24/6/1967-24/6/2022).

Đây cũng là hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước đầu tiên sau đại dịch Covid-19, đồng thời, là hoạt động tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Gặp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin luôn khẳng định, Campuchia sẽ cùng với Việt Nam bảo vệ, giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển lên tầm cao mới và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau mối quan hệ tốt đẹp này.

Có thể cảm nhận rất rõ tinh thần luôn sát cánh bên nhau, đoàn kết hữu nghị tốt đẹp trong trao đổi giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao, các cấp và giao lưu nhân dân; thực hiện hiệu quả các Nghị định thư, Kế hoạch hợp tác quốc phòng, an ninh đã ký kết.

Trên cơ sở thành quả công tác phân giới, cắm mốc đạt 84% đường biên giới trên đất liền, hai bên tập trung giải quyết 16% mốc giới còn lại. Việt Nam và Campuchia cũng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần sớm hoàn thành “Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến 2030”.

Liên quan đến các vấn đề khu vực, Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, tham vấn về các vấn đề chiến lược, liên quan đến an ninh - phát triển của khu vực cũng như của mỗi nước; nỗ lực duy trì đoàn kết, thống nhất và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cũng nhân dịp này, Việt Nam nhấn mạnh truyền thống và tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia và mong muốn ba nước cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ này ngày càng phát triển, vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin đã chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel…

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện

Đi sâu vào hợp tác Quốc hội, hai bên đã cùng rà soát lại việc thực hiện các nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội được ký tháng 5/2019, từ đó đề xuất trao đổi, ký bổ sung thỏa thuận hợp tác cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia cảm ơn về món quà là Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia được Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam trao tặng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024.

Ngoại giao nghị viện Việt Nam-Campuchia được hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thông qua duy trì tiếp xúc các cấp, giữa các nghị sĩ hai nước, giữa Nhóm Nghị sĩ Quốc hội trẻ của Campuchia với Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; mở rộng hợp tác cấp địa phương, kênh Hội đồng nhân dân, trong giám sát chung, cũng như tổ chức toạ đàm, hội thảo chung…

Về đa phương, hai bên phối hợp giúp Lào tổ chức thành công Hội nghị ba Chủ tịch Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam vào năm 2023. Hai nước tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)l...; ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Việt Nam tin tưởng Đại hội đồng AIPA-43 tại Phnom Penh tháng 11 tới đây sẽ thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như nâng cao vị thế quốc tế của Campuchia. Quốc hội Việt Nam chung tay hỗ trợ Campuchia tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-43, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác của hai cơ quan giúp việc là Ban Thư ký Quốc hội Campuchia và Văn phòng Quốc hội Việt Nam…

Có thể khẳng định, chuyến thăm Việt Nam thành công của Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin đã thể hiện sự coi trọng và dành ưu tiên cao của cả hai nước cho quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, góp phần thiết thực vào chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, từ đó thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Điều phối Chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat. (Nguồn: TTXVN)

Tận dụng mọi cơ hội để khai phá tiềm năng

Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Heng Swee Keat diễn ra vào thời điểm quan trọng, ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore (năm 2023) và trong bối cảnh hai nước đã mở cửa trở lại, đang tích cực hợp tác cùng phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch.

Trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat nhấn mạnh một thông điệp rằng Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Singapore ở khu vực; Singapore coi trọng, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.

Từ thông điệp đến đường hướng, các nhà lãnh đạo hai nước đã cùng gợi lên những ý tưởng cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thứ nhất, hai bên khuyến khích nhân rộng mô hình khu công nghiệp VSIP vốn đã trở thành hình mẫu thành công trong hợp tác kinh tế hai nước. Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của các nhà đầu tư Singapore tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam thời gian qua, đồng thời khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore hoạt động tại Việt Nam. Mô hình VSIP cần được nhân rộng và phát triển theo hướng khu công nghiệp xanh, thông minh, công nghệ cao, sáng tạo.

Lô 71- hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên của Singapore ở nước ngoài đang hoạt động rất hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh và Singapore cũng mong muốn nhân rộng mô hình này tại Hà Nội trong thời gian tới.

Thứ hai, Việt Nam và Singapore nhất trí hợp tác triển khai một số sáng kiến tập trung vào năng lượng sạch, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, an ninh mạng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị kỹ năng mới cho người lao động trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0...

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Singapore nhập khẩu các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may... tạo điều kiện thuận lợi đưa những mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam vào hệ thống phân phối tại Singapore.

Thứ ba, hai nước nhất trí rằng những hiệp định thương mại đa phương như RCEP, CTTPP, cũng như những thỏa thuận tiểu vùng (như trong khuôn khổ GMS…) đều là những công cụ hết sức quan trọng để triển khai các cam kết về thương mại tự do, cạnh tranh công bằng và về chính sách kinh tế minh bạch, qua đó, tạo cơ hội lớn cho khôi phục và phát triển. Singapore đã trở thành nước đầu tiên phê chuẩn RCEP. Các hiệp định đa phương cũng là khuôn khổ quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác kinh tế.

Trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; thăm và làm việc tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore I (VSIP I) - Bình Dương...

Thứ tư, Việt Nam và Singapore cũng cần tăng cường hợp tác nhằm kết nối giao thương, liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tính đến tháng Bảy năm nay đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Singapore tiếp tục giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với 2.959 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 69,86 tỷ USD (đứng thứ 2/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam).

Như vậy, có thể khẳng định, tiềm năng trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Singapore là rất lớn. Tận dụng tốt các cơ hội mới, hợp tác song phương chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Singapore cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, theo đó hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN; phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình và hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.