📞

Những người kiến thiết “vụ mùa” đối ngoại bội thu

10:04 | 14/01/2016
Mang lại “vụ mùa bội thu”, công đầu trong việc thiết kế nên toàn bộ bức tranh hoạt động đối ngoại Việt Nam thuộc về các cán bộ Bộ Ngoại giao.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an nhận xét như vậy trong cuộc trao đổi với TG&VN. Sau đây xin giới thiệu những chia sẻ của ông.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Hồ Xuân Sơn.

“Mắt thần tỉnh táo” nhìn bốn phương

Muốn đánh giá về thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm 2015, phải bắt đầu từ việc nhận thức về vai trò, vị trí của công tác ngoại giao. Trong việc thực hiện chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, công tác ngoại giao tại các quốc gia luôn có vai trò quan trọng, nhưng mức độ quan trọng phụ thuộc hai yếu tố: vị trí quốc gia trên trường quốc tế và cấu trúc quyền lực tại quốc gia đó. Ví như Mỹ là cường quốc toàn cầu nên ngoại giao phải đi đầu, đóng vai trò mở đường. Cấu trúc quyền lực của Mỹ cũng đặc biệt coi trọng vai trò Bộ trưởng Ngoại giao - người đứng ngay sau Tổng thống chứ không phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hay Giám đốc CIA. Ở Nga cũng có mô hình tương tự: Tổng thống V.Putin – Ngoại trưởng S.Lavrov là cặp đôi hình thành nên toàn bộ chiến lược ngoại giao toàn cầu ở Nga.

Với Việt Nam, là một nước trình độ phát triển trung bình thấp, có vị trí khiêm tốn trong tương quan với các cường quốc, các đối tác - đối tượng, thì ngoại giao càng phải được đặt lên hàng đầu, với phương châm kết hợp sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại. Đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đoàn kết (trong Đảng) - đoàn kết (trong toàn dân) - đại đoàn kết (toàn nhân loại). Khi tiềm lực Việt Nam còn thấp, hạn chế, ngoại giao phải được đặt đúng vị trí, vai trò quan trọng của nó. Ngoại giao là cầu nối Việt Nam với thế giới, hoạt động ngoại giao sẽ tạo nên sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong nhiệm vụ an ninh – quốc phòng, ngoại giao phải đi trước chứ không phải là quân đội, công an.

Muốn bảo vệ Tổ quốc, phải có nhiều yếu tố: dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự đoàn kết toàn dân, là lực lượng quốc phòng phải mạnh và được trang bị khí tài quân sự đầy đủ. Nhưng quan trọng hơn, phải có một đường lối đối ngoại đúng đắn để có thể huy động sức mạnh tổng hợp khiến cho cả thế giới đứng về phía mình. Bởi dù có thêm nhiều tàu ngầm, cũng không thể đối chọi lại các cường quốc, nhưng nếu có đường lối ngoại giao khôn ngoan thì các cường quốc phải nể trọng và e dè, suy tính trước khi hành động hay tác động đến Việt Nam.

Tóm lại, trong bối cảnh thế giới phức tạp, có sự lồng ghép, đan xen giữa cạnh tranh - hợp tác, đối tượng - đối tác không dễ phân biệt, cùng với cái thế của một nước nhỏ, thì với Việt Nam, ngoại giao phải là “mắt thần tỉnh táo” nhìn ra bốn phương.

Năm 2015, có thể nói hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã có những hoạt động dồn dập, thu được kết quả lớn nhất trong khoảng thời gian năm năm qua. Có thể nói là một “vụ mùa bội thu” về ngoại giao. Những kết quả đó đã tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo… Ngoại giao Việt Nam năm 2015 tiếp tục khai phá mở đường, theo hướng đi đã chọn.

Đơn cử, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng Bảy năm ngoái cho thấy, sau 239 năm từ ngày nước Mỹ thành lập, Tổng thống Mỹ đã phá bỏ thông lệ ngoại giao để đón tiếp một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản - trước đây Mỹ đã đón các nguyên thủ của Liên Xô, Trung Quốc (Nikita Khrushchev, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình)... nhưng đều là với “mũ” Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng. Nếu ngoại giao Việt Nam trong những năm vừa rồi, cũng như quan hệ Việt – Mỹ 20 năm vừa qua, không có được những thành công nhất định thì sẽ không có chuyến thăm này. Lý do thuyết phục Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư nước ta đến Washington chính là thành tựu phát triển, vai trò vị trí của Việt Nam đã đủ để Mỹ cần và mời Việt Nam. Chính hoạt động ngoại giao đã mang lại kết quả này.

Mặc dù là năm bận rộn chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII nhưng năm qua, lãnh đạo nước ta đã thăm hơn mười quốc gia. Ngoài Mỹ, Tổng Bí thư còn thăm Nhật Bản, Trung Quốc; Chủ tịch nước dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, các Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm châu Âu, ký các Hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Rồi lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132. Cả đối ngoại Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân, chưa bao giờ có nhiều đoàn nước ngoài đến và nhiều đoàn Việt Nam đi thăm nước ngoài như vậy. Các đoàn cán bộ chủ chốt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng thăm hàng chục nước, để bàn về hợp tác từ dễ đến khó: từ chống khủng bố, cứu hộ… đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ngoại giao đi trước một bước

Để có các chuyến thăm, các cuộc trao đổi, giao lưu, các hiệp định được ký kết… cần những người đi trước một bước để “lót ổ”, đặt nền móng, sau khi phát hiện tình hình mới, vấn đề mới, cơ hội hay điểm nghẽn cần xử lý, khai thác... Và công đầu trong việc thiết kế nên toàn bộ bức tranh đối ngoại đó thuộc về Bộ Ngoại giao.

Điều mà ít người đề cập là chính kết quả các hoạt động ngoại giao thời gian qua đã góp phần tác động đến nhận thức của lãnh đạo - đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạch định quyết sách quốc gia - cũng như người dân, về thế giới, về vai trò của Việt Nam, về những vấn đề mà chúng ta cần phải đổi mới tư duy. Từ đó, chúng ta có tư duy đối ngoại mới, về xu hướng chủ đạo của thế giới cũng như những vấn đề đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Điều này cũng quan trọng giống như thời chiến tranh trước đây, khi những thành tựu ngoại giao mang tính quyết định, góp phần chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, đem đến thắng lợi cho công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong hơn 30 năm có cơ hội làm việc với các lãnh đạo, cán bộ ngoại giao Việt Nam, tôi thấy đội ngũ nhà ngoại giao ngày càng có trình độ và tạo được sự tin cậy rất lớn. Lực lượng làm ngoại giao nước nhà thực sự đã trưởng thành, đủ độ chín, các cán bộ trẻ cũng có nhận thức vững vàng, chắc chắn.

Đặc biệt, hoạt động hiện nay của các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực sự là một bước chuyển so với thời kỳ trước Đổi mới. Các Đại sứ hiện làm cả nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng… đúng với chức năng của cơ quan đại diện. Họ đã bắt đầu thực hiện việc giải quyết vấn đề quốc gia ở nước ngoài - trọng trách đúng như thay mặt nguyên thủ quốc gia ở nước sở tại.

Bên cạnh đó, qua tên tuổi một số nhà ngoại giao tại khu vực, trên thế giới, như Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Liên hợp quốc… có thể thấy đội ngũ các nhà ngoại giao của chúng ta ngày càng được đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ, đủ khả năng tham gia vào các định chế quốc tế. Trong tương lai, khi vị thế của đất nước được nâng lên hơn nữa, số nhà ngoại giao Việt Nam làm việc tại các tổ chức khu vực, toàn cầu chắc chắn sẽ tăng.

Để có thể hoạt động hiệu quả hơn, trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nên dành thời gian tiếp cận với học giả trong và ngoài Ngành, bởi hiện số lượng các nhà nghiên cứu quan tâm về ngoại giao, về quan hệ quốc tế rất nhiều.

Sau Đại hội Đảng XII sắp tới, tôi cũng mong Ban Chấp hành Trung ương mới đặt công tác ngoại giao đúng tầm, đúng vị trí, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay. Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng nên dành thời gian định kỳ để nghe, tiếp cận thông tin từ Bộ Ngoại giao và các chuyên gia về quan hệ quốc tế thông qua kênh ngoại giao học giả. Thậm chí nên dành một Hội nghị Trung ương để bàn về đối ngoại, vì tình hình thế giới hiện đã khác nhiều so với năm 2010…

“Chính kết quả các hoạt động ngoại giao thời gian qua đã góp phần tác động đến nhận thức của lãnh đạo - đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạch định quyết sách quốc gia - cũng như người dân, về thế giới, về vai trò của Việt Nam, về những vấn đề mà chúng ta cần phải đổi mới tư duy. Từ đó, chúng ta có tư duy đối ngoại mới, về xu hướng chủ đạo của thế giới cũng như những vấn đề đang tồn tại trên thế giới hiện nay”. Thiếu tướng Lê Văn Cương

 

(ghi)