Hồng quân Liên Xô diễu hành trên Quảng trường Đỏ năm 1941. |
Mùa đông năm 1941-1942 không chỉ là một trong những mùa đông lạnh nhất trong lịch sử nước Nga mà còn là một trong những mùa đông đáng sợ nhất. Đó là khi quân đội Đức Quốc xã đặt chân đến cửa ngõ Moscow với kế hoạch của Hitler là “nhấn chìm thành phố và biến nó thành một cái hồ lớn”.
Giữa tháng 11/1941, trước khi Hồng quân Liên Xô phản công, có khoảng 600km chướng ngại vật đã được xây dựng với 3.700 ụ súng, 37.000 cụm “lông nhím” chống tăng để ngăn bước kẻ thù. Những ai đến khu vực này đến nay vẫn nhìn thấy một tượng đài bê tông “lông nhím” như vậy trên đường từ sân bay Sheremetyevob vào nội thành.
Vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhiều đơn vị quân đội đã được thành lập để bảo vệ Moscow, trong đó có trung đoàn quốc tế đặc biệt (tháng 8/1941) gồm nhiều người nước ngoài đang sống tại Thủ đô. Theo tài liệu của Ban Tiếng Việt, Đài Tiếng nói nước Nga, tham gia trung đoàn này có người Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgaria và sáu người Việt Nam. Mãi đến cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng năm 1967, điều đó mới được công luận biết đến.
Chính ủy trung đoàn này là ông Ivan Vinarov, sau này là cựu Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, đã viết trong hồi ký xuất bản năm 1971 rằng trong trung đoàn quốc tế ấy có sáu chiến sĩ người Việt.
Còn theo hồi tưởng của ông Aleksandr Kazitshki, cựu binh của Lữ đoàn OMSBON: "Đầu năm 1942, khi chúng ta đuổi bạt được quân Đức khỏi Moscow, có ba chiến sĩ người Việt đã hy sinh anh dũng”.
Chi tiết lịch sử quý giá này cũng được nhắc đến trong hồi ký của vị chỉ huy quân sự nổi tiếng Shtemenko và một trong những nhà lãnh đạo của Cơ quan an ninh thời đó là Tướng Sudoplatov.
Khi quân đội Hitler chỉ còn cách Moscow chừng 20km, ngày 7/11/1941, cả trung đoàn đã tham gia cuộc diễu binh lịch sử của quân đội Xô-viết trên Quảng trường Đỏ. Sáu người Việt tham gia diễu binh rồi cùng các đồng đội tiến thẳng ra mặt trận nghênh chiến phát xít Đức. Tuy nhiên, các tài liệu không nhắc đến họ tên, cũng không viết cụ thể bằng cách nào mà những người Việt Nam này đến Thủ đô của Liên Xô, họ làm gì, số phận của họ về sau như thế nào...
Với tình yêu Việt Nam và với lòng cảm kích, từ những năm 1970, Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga, đứng đầu là nhà báo Aleksei Syunnenberg đã dành nhiều năm liền để tìm hiểu về họ. Mãi đến năm 1985, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày chiến thắng phát xít Đức, Đài Tiếng nói nước Nga đã xác định được họ tên của bốn chiến sĩ Hồng quân gốc Việt tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Đây là những học sinh Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tập ở trường Đại học Phương Đông, Viện Nghiên cứu những vấn đề Dân tộc và Thuộc địa, trường Quốc tế Lenin trong những năm 1920-1930.
Vương Thúc Tình, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập. Ông còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ.
Lý Nam Thanh, là tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho Nguyễn Sinh Thân. Ông sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Nguyễn Sinh Ly đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ông đã bị giam cầm và năm 1936 qua đời trong nhà tù thực dân.
Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Anh Tô), sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Hoàng Hinh mất sớm, và Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu làm quen với công tác cách mạng.
Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha ông là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939, gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở Nga vì thư được gửi đi từ đó.
Trong số bốn người trên, ba chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh chống phát-xít ở cửa ngõ Thủ đô Moscow.Trong khi đó, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động, thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.
Năm 2010, nhà báo Aleksei Syunnenberg sang Việt Nam để tìm kiếm danh tính hai chiến sĩ còn lại với nhiều tư liệu quí báu mà ông sưu tập được. Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga với sự trợ giúp của các cơ quan và người Việt Nam yêu mến nước Nga đã xác định hai chiến sĩ đó là các ông Lý Tự Thông và Lý Văn Minh. Sau khi ba đồng đội kia hy sinh, họ đã tiếp tục cầm súng chiến đấu chống phát xít. Hiện nay chưa có nhiều tài liệu về hai ông.
Không tham gia hàng ngũ OMSBON nhưng có nhân vật từng tham gia chiến đấu vì thủ đô nước Nga, là ông Lý Phú San, tên thật là Lê Tư Lạc (Lê Phan Chấn). Lý Phú San sinh năm 1900 ở miền Bắc Việt Nam và đến Paris năm 1924. Chính ở thủ đô nước Pháp, Lý Phú San đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu hoạt động cách mạng. Đầu những năm 1930, Lý Phú San được gửi đi học trường Đại học Cộng sản dành cho người lao động phương Đông ở Moscow rồi làm công nhân tại xưởng đầu máy đường sắt và quân y viện. Năm 1941, khi quân phát xít tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ nhưng không đủ sức khỏe nên được giao chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện, ông đã không chỉ một lần hiến máu cứu người. Đêm đêm, Lý Phú San cùng đồng đội luân phiên trực ở trạm phòng không, cảnh báo lúc máy địch xuất hiện, dập tắt đám cháy do bom phát xít gây ra. Năm 1945, ông được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng huy chương “Vì lao động quên mình trong thời kì chiến tranh chống phát xít Đức”.
Vào đầu thập niên 1950, Lý Phú San làm Giám đốc sân vận động ở Sverdlovsk, nay là Ekaterinburg. Năm 1956, ông trở về Việt Nam, làm việc ở Đài phát thanh Mễ Trì (Hà Nội), Đại sứ quán Liên Xô rồi qua đời năm 1980.
Tháng 12/1985, theo Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San huy chương "40 năm chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại", huân chương "Chiến tranh vệ quốc" hạng Nhất. Những tấm huân, huy chương này đã được chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.
Chiến tranh Thế giới thứ II đã kết thúc được 70 năm. Những câu chuyện về các chiến sĩ người Việt Nam tham gia Hồng quân Liên Xô cần được sưu tầm, phổ biến nhiều hơn cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam để “đa tạ những tháng năm vĩ đại”, để dặn lòng tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc. Nói như nhà báo Aleksei Syunnenberg "Sau khi Liên Xô tan rã, thái độ của nhân dân rất nhiều nước, trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa cũ, đối với Liên Xô, đối với nước Nga bây giờ, thay đổi hẳn. Nhưng theo tôi, có một nước duy nhất có thái độ không thay đổi đối với nước Nga, đó là Việt Nam. Nước Nga chúng tôi có một người bạn đáng tin cậy nhất là Việt Nam".
“Chúng tôi luôn luôn nhớ về chiến công của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Trong những ngày tháng khó khăn nhất đối với đất nươc chúng tôi họ đã đứng lên bảo vệ Liên Xô và chứng tỏ là những chiến sĩ tuyệt vời”. (Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu Viktor Khristenko, nguyên Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Nga - Việt về hợp tác song phương)
Tường Nguyên (tổng hợp)