📞

Những phát minh kỳ quái

10:43 | 21/09/2012
Máy tạo dư chấn, tia sét chết người, mạng truyền năng lượng không dây..., đó là những phát minh có vẻ khác người của nhà khoa học nổi tiếng “điên” – Nikola Tesla. Nhưng lịch sử không quên ghi nhận ông là người góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp với những phát minh vĩ đại như dòng điện xoay chiều, tia X-quang…

Rất nhiều người không biết Nikola Tesla là ai. Nikola Tesla sinh ngày 10/7/1856 tại Croatia, bố mẹ ông là người Serbia. Ở tuổi 29, Tesla sang Mỹ và xin vào làm việc cho “ông vua đèn điện”, nhà phát minh dòng điện một chiều Thomas Edison. Lúc đó, việc sử dụng dòng điện một chiều được phổ biến khá rộng rãi và rất tốt cho đèn chiếu sáng, nhưng không thể truyền dẫn điện đi xa.

Trong khi đó sức điện động của dòng điện xoay chiều có thể tăng cao hay hạ thấp một cách dễ dàng, do đó nó có thể truyền đi những khoảng cách xa ở mức sức điện động cao, còn sử dụng dòng điện thấp sẽ làm mất ít năng lượng điện hơn khi chuyển giao.

Bernard Arthur Behrend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Edison, từng nói: “Nếu chúng ta xóa đi tất cả công trình mà Tesla đóng góp cho ngành công nghiệp thì bánh xe sẽ nhất loạt ngừng chạy, toa tàu và đầu tàu điện sẽ đứng yên tại chỗ, thành phố sẽ tối om, nhà máy xay bột sẽ ngừng hoạt động”.

Ngày nay, động cơ của Tesla và hệ AC đa pha đã trở thành nền tảng cho hệ thống cung cấp điện năng ở Bắc Mỹ. Nhà văn Mark Twain, người về sau trở thành bạn của Tesla, đã nhận xét rằng công trình nói trên là phát minh giá trị nhất kể từ sau khi điện thoại ra đời.

Thế nhưng, tên tuổi Tesla đã chìm dần vào quên lãng, trong khi Edison được tung hô là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng Telsa là một nhà khoa học xuất sắc song ông lại thường theo đuổi những ý tưởng nhiều khi “phi thực tế”, chẳng hạn như thiết bị dẫn năng lượng không dây. Trong khi đó, những ý tưởng mà Edison đưa ra thời đó có thể biến thành hiện thực. Trong cuộc sống hàng ngày, ông là người lập dị, chẳng hạn như ông tin rằng việc sống độc thân có tác động tốt lên não; cho rằng mình đã liên hệ được với người ngoài hành tinh; yêu một chú chim bồ câu... Ông cũng có những thói quen khá kỳ quặc như ác cảm với đồ trang sức làm bằng ngọc và hoa tai, rất kị lông, tóc của người khác, hay cảm thấy nhộn nhạo khắp người khi thấy quả đào. Khi đi bộ bao giờ ông cũng đếm số bước chân, khi ngồi vào bàn ăn ông có thói quen tính dung tích của đồ ăn thức uống vì “nếu không làm việc đó tôi ăn mất cả ngon”, ông từng viết…

Mặc dù có tới 700 bằng sáng chế phát minh nhưng cho đến cuối đời nhà phát minh lừng danh thế giới này chỉ là một cụ già nghèo khổ. Nikola Tesla qua đời trong cảnh “không một xu dính túi” tại một khách sạn ở New York năm 1943 và có lẽ là nhà phát minh vô tư nhất trong lịch sử.

Hâm mộ các phát minh của nhà khoa học bị lãng quên này, Matthew Inman, ông chủ trang web Oatmeal đã lên kế hoạch xây dựng một bảo tàng tôn vinh ông, người mà Inman cho là nhà khoa học “lập dị vĩ đại nhất từng tồn tại” từ số tiền quyên góp thu được hơn 1,1 triệu USD./.

Mai Anh

Các phát minh để đời của Nikola Tesla

Hệ thống điện không dây

Khoảng 120 năm trước, tại Hội chợ Thế giới năm 1893 ở Chicago (Mỹ), Tesla đã nói về mạng lưới truyền dẫn điện không dây. Theo đó, những cuộn dây lớn có thể thắp sáng các bóng đèn huỳnh quang không cần dây nối cách xa cả chục mét, và do điện trường tác động trực tiếp thành ánh sáng và không sử dụng các điện cực. Ông cũng mơ đến ngày công nghệ này cho phép con người có thể thu được năng lượng từ khoảng cách xa hơn mà không cần dây. Đã hơn một thập kỷ trôi qua, nay chỉ có tập đoàn Sony và Intel hiện thực hóa được giấc mơ của ông với bộ xạc pin điện thoại di động không cần dây dẫn.

Tia X

Nghiên cứu của Tesla trong lĩnh vực điện từ đã giúp cho các bác sĩ khoa X-quang có thể nhìn xuyên cơ thể người mà không cần phải thực hiện phẫu thuật, một khái niệm mà trong những năm 1800 bị cho là không thể thực hiện được. Mặc dầu nhà vật lý người Đức Willhelm Rơntgen mới là người được tôn vinh rộng rãi vì phát hiện ra tia X năm 1895, những thử nghiệm của Tesla với công nghệ này 8 năm trước đó đã nhấn mạnh đến những nguy hiểm tiềm tàng trong việc sử dụng tia phóng xạ lên cơ thể người.

Người máy học

Tesla từng tưởng tượng ra rằng trong tương lai, một cuộc chạy đua về người máy “có thể thực hiện các công việc một cách an toàn và hiệu quả”. Năm 1898, ông giới thiệu một chiếc thuyền được điều khiển bằng sóng radio mà ông chế tạo ra, sản phẩm nhiều người tôn vinh là “khai sinh ra ngành khoa học về người máy”. Ông cũng từng mường tượng ra một thế giới tràn ngập “các ô tô thông minh, robot đồng hành với con người, máy cảm biến và hệ thống tự động”.

Tia chết

Trong những năm 1930, Tesla phát minh ra một loại vũ khí chết người dưới dạng chùm tia sáng có thể cùng lúc giết chết hàng triệu người cũng như phá hỏng động cơ của máy bay kẻ thù cách xa hàng trăm kilomet. Tuy vậy, cái gọi là “tia chết” này đã không bao giờ được tạo ra, dù Tesla đã bán nó cho quân đội Mỹ.

Máy động đất

Năm 1898, Tesla tuyên bố đã chế tạo một thiết bị nhỏ, khi lắp đặt và vận hành ở đâu thì sẽ làm cho khu vực xung quanh nó phải rung chuyển. Thiết bị này chỉ nặng vài kilogram, nhưng lại có thể tạo ra những dao động rất lớn khiến các cấu trúc lớn có thể bị đổ sập. Thế nhưng chính Tesla đã phá hủy chiếc máy này vì nhận ra sự nguy hiểm mà nó có thể tạo ra.