📞

Những phong tục đón năm mới kỳ lạ nhất thế giới

09:08 | 07/01/2013
Cách mỗi quốc gia trên thế giới đón mừng thời khắc quan trọng nhất của năm mới phần nào cho chúng ta thấy văn hóa, lối sống và những tập quán thú vị riêng của họ...
Đốt bù nhìn rơm ở Ecuador.

1. Ecuador - Đốt bù nhìn rơm

Để xua tan đi những điềm gở hoặc những điều không may của năm cũ, những người dân Ecuador thường đốt những bù nhìn rơm được phủ giấy báo vào đêm giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là cái cớ cho những kẻ mắc chứng cuồng phóng hỏa châm lửa đốt mọi thứ.

2. Nhật Bản - Đánh 108 hồi chuông

Vào đúng 0h đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong 5 âm thanh của Phật pháp. Năm mới, người Nhật cũng sẽ gặp may nếu mỉm cười hoặc cười lớn thành tiếng.

3. Philippines - Sử dụng những đồ vật hình tròn

Với mong ước mang đến sự thịnh vượng và giàu sang trong Năm mới, vào dịp đầu năm, người Philippines thường rất thích sử dụng hay sưu tầm các đồ vật hình tròn, tượng trưng cho tiền bạc và sự giàu có. Những bộ quần áo có đường tròn, thức ăn hình tròn… đều được người dân Philippines ưa chuộng trong Năm mới.

4. Đan Mạch - Ném vỡ đĩa vào ngày đầu Năm mới

Nếu bạn đang ở Đan Mạch, thức dậy vào buổi sáng đầu tiên ngày đầu Năm mới và bắt gặp một đống đĩa vỡ ở trước cửa nhà thì hãy đừng vội khó chịu vì đây chính là phong tục đón năm mới của người Đan Mạch. Những chiếc đĩa chưa qua sử dụng sẽ được giữ lại cho đến thời điểm cuối năm. Trước ngày đầu tiên của Năm mới, người dân Đan Mạch sẽ ném những chiếc đĩa này ra trước cửa nhà bạn bè và người thân với hi vọng sẽ mang đến may mắn và những điều tốt lành.

5. Tây Ban Nha - Ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa

Khi chuông đồng hồ điểm 12h và mọi người trên khắp thế giới hân hoan thưởng thức pháo hoa, nhảy múa trong tiếng nhạc hay trao nhau những nụ hôn say đắm, thì người dân Tây Ban Nha lại chú ý vào những chùm nho của họ. Theo quan niệm của người Tây Ban Nha, mỗi quả nho ứng với một tiếng chuông. Nếu ăn hết 12 quả nho trước khi chuông đồng hồ báo hiệu bước qua thời điểm năm mới bạn sẽ có được nhiều may mắn trong Năm mới.

6. Peru - Đấu tay đôi tại Lễ hội Takanakuy

Lễ hội Takanakuy ở Peru là lễ hội thường niên thường diễn ra vào cuối tháng 12, nơi tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai, đều có thể giải quyết các xung khắc, hiềm khích cá nhân bằng những trận đấu tay đôi. Mỗi cuộc đấu đều sẽ có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát. Takanakuy, tiếng Peru có nghĩa là "khi sôi máu", nhưng hầu hết các cuộc đấu tay đôi đều diễn ra trong không khí vui vẻ, thân thiện, biểu hiện cho sự dẹp bỏ hiềm khích của năm cũ để bắt đầu một năm mới vui vẻ hơn.

7. Mexico, Bolivia, Brazil - Màu quần lót quyết định may mắn đầu năm

Tại các quốc gia Nam Mỹ như Mexico, Bolivia và Brazil, vận may đầu năm mới lại được quyết định bằng màu sắc của chiếc quần lót mà bạn đang mặc. Những người mong muốn có được tình yêu sẽ mặc quần màu đỏ trong khi màu vàng thường dành cho những ai mong muốn sự giàu có và may mắn. Nếu bạn chỉ cầu mong sự bình yên cho một năm mới thì hãy mặc quần màu trắng.

8. Mỹ - Nụ hôn đêm giao thừa

Theo truyền thống, nhiều người Mỹ tin rằng nếu dành tặng bạn gái hoặc bạn trai của mình một nụ hôn vào đêm giao thừa thì Năm mới sẽ tràn ngập điều may mắn và niềm vui. Nụ hôn sẽ xóa tan những ký ức đau buồn trong quá khứ và đánh dấu một năm mới với nhiều tình yêu và hạnh phúc.

9- Chile - Đón giao thừa tại nghĩa địa

Người dân tại thị trấn Talca, một thị trấn nhỏ của Chile có phong tục rất độc đáo - chào đón Năm mới tại nghĩa trang. Người dân ở đây tin rằng những người thân yêu đã khuất đều muốn đón Năm mới cùng gia đình và bạn bè còn sống. Vì vậy, vào đêm giao thừa, các nghĩa trang tại thị trấn đều được mở cửa, ngập tràn ánh sáng lung linh của ánh nến và những bản nhạc du dương của Năm mới. Bắt đầu từ năm 1995, khi một gia đình tại thị trấn đột nhập vào nghĩa trang và đón thời khắc Giao thừa bên cạnh mộ của người cha, phong tục này đã nhanh chóng lan rộng và nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của hầu hết người dân trong thị trấn.

Phan Mích (tổng hợp)