📞

Những thương hiệu lừng danh thế giới – Ngày ấy và bây giờ

18:30 | 02/12/2016
Cùng nhìn lại xuất phát điểm vô cùng khiêm tốn của một số tập đoàn tên tuổi trong ngành kinh doanh đồ ăn nhanh từ KFC đến McDonald’s...

Mỗi chuỗi kinh doanh nhượng quyền có những xuất phát điểm khác nhau. Những ông chủ kinh doanh ban đầu chỉ có duy nhất một cửa hàng mà công chúng chưa từng hay biết. 

Những cửa hàng trong chuỗi franchise ngày đó và bây giờ ra sao? Đặc biệt, những cửa hàng ấy vẫn được các tập đoàn tên tuổi trên thế giới lưu giữ, giúp thực khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

KFC và hành trình "vượt bão" của đại tá Harland Sanders

Sau nhiều năm thăng trầm với hàng tá công việc khác nhau, vào năm 40 tuổi, Harland Sanders bắt đầu gắn bó với công việc nấu nướng mà ông yêu thích từ nhỏ. Đó là một quầy thức ăn đặt tại trạm xăng của khu phố Corbin, Kentucky. Nhận thấy nhu cầu của khách hàng tại đây, ông đã nảy sinh sáng kiến chế biến một món ăn tiện lợi, đó là món gà rán. Ông kết hợp 10 loại thảo mộc và gia vị khác nhau để trộn gà trước khi chiên, tạo nên món gà rán đặc biệt được nhiều người biết đến. 

Khi lượng khách ngày càng đông, ông mở một quán ăn bên đường, sau đó phát triển thành nhà hàng với 142 ghế ngồi. Món ăn của ông dần trở thành món đặc trưng của bang Kentucky. Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực của bang, Thống đốc bang đã phong tặng Harland Sanders tước hiệu Kentucky Colonel - Đại tá danh dự bang Kentucky.

Nhưng khi đường cao tốc liên bang thay đổi lộ trình, công việc kinh doanh cũng vì thế có phần kém thuận lợi đã đưa ông Sanders vào con đường phá sản. Ông phải bán cơ nghiệp của mình với số tiền ít ỏi. Gia tài duy nhất còn lại chỉ là tờ séc 105 USD tiền trợ cấp xã hội. Rất may, ngay sau đó do có niềm tin vào chất lượng món ăn của mình, ông đã dùng số tiền này để đầu tư vào cuộc hành trình "vượt bão" bằng cách bán bí kíp nấu ăn của mình. Sau 10 năm rong ruổi, ông đã có hơn 600 nhà hàng nhượng quyền ở khắp nước Mỹ và Canada.

Việc kinh doanh đã phát triển, vượt quá tầm kiểm soát nên ông đã bán thương hiệu lại cho một nhóm người. Họ lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation và mời Sanders làm “Đại sứ Thiện chí”. Ngày nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất với hơn 10.000 nhà hàng tại 92 quốc gia.

KFC ngày ấy...

Hiện nay, nhà hàng KFC ngày ấy được xem như một bảo tàng với một khu vực được phong tỏa với mô hình giống thuở sơ khai. Chính quyền ở đây đã phục hồi, chỉnh trang, tu sửa sao cho giống với nguyên bản nhất từ tấm vách bằng gỗ trong phòng ăn bị mọt gặm nhấm đến những bộ bàn ghế cùng nhiều hiện vật khác. 

Ngoài ra, với những đồ vật như chén đĩa bằng sứ, lọ đựng gia vị, thực đơn gốc đều được lưu giữ lại cẩn thận. Ngày nay, thực khách có thể dừng chân ghé thăm cửa hàng KFC đầu tiên ở thành phố Salt Lake – một trong 4.270 nhà hàng KFC trên khắp nước Mỹ, nơi trưng bày bức ảnh đại tá Harland Sanders trong bộ vest trắng. Và ở lối ra, du khách có thể mua những chiếc áo phông có dòng chữ “Tôi đã đến cửa hàng KFC đầu tiên trên thế giới” hay những món đồ lưu niệm khác.

Món hot dogs 100 năm

Năm 1916, tại nơi giao cắt giữa đại lộ Surf và Stillwell trên đảo Coney, Nathan Handwerker đã mở quán hot dogs không tên. Mọi người chỉ biết đến cửa hàng này với một lý do duy nhất: Đây là nơi có món hot dogs mà họ thích. Nhưng khi tiếng lành đồn xa, cửa hàng được nhiều người biết đến, bạn bè đã khuyên Handwerker đặt tên cho cửa hàng, lúc này cái tên Nathan’s Famous mới ra đời.

Nhà hàng đầu tiên của Nathan có 48 máy tính tiền.

Khi thực đơn nhà hàng có thêm nhiều món hơn đồng nghĩa với việc quy mô quầy hàng cũng ngày càng lớn hơn. Theo Wayne Norbitz, cựu giám đốc điều hành của thương hiệu nổi tiếng này chia sẻ: Đầu tiên là món bánh mì kẹp thịt, đến món mì xào, và bánh san-wich kẹp thịt bò, thịt lợn nướng. Đặc biệt, quán còn dành riêng một khu vực làm món khoai tây chiên – một món ăn rất nổi tiếng sau này.

Nhờ có trạm tàu điện ngầm chạy qua khu phố Stillwell, mở cửa năm 1919 mà quán lúc ấy thu hút rất nhiều thực khách ghé qua. Sau đó, Nathan đã mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mặt hàng hải sản, mở cửa hàng trai sò.

Cửa hàng của Nathan nguyên bản đến nay có 48 máy tính tiền, nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới chọn làm điểm tham quan. Sau 100 năm 1916 – 2016, quán hot dogs ngày nào đã phát triển thành chuỗi gồm 270 nhà hàng.

Café Dunkin Donuts - sự pha trộn giữa cũ và mới

William Rosenberg là chủ doanh nghiệp nhỏ chuyên bán các mặt hàng: café, bánh ngọt, bánh mì cho công nhân nhà máy vùng Quincy, Mass. Đầu tiên, William gọi hình thức kinh doanh này là dịch vụ bữa trưa công nghiệp, tiếp đó là  Open Kettle. Sau cùng, năm 1950, một lần nữa ông đổi tên doanh nghiệp của mình với lý do: nhận được khoản doanh thu 40% từ việc bán café và bánh rán. Do đó, thương hiệu Dunkin Donuts bắt đầu có từ đây.

Trước khi đổi tên Dunkin gọi nhà hàng là Dịch vụ bữa trưa công nghiệp.

Rosenberg quyết định kinh doanh 52 loại bánh. Cùng với dòng chảy của thời gian, diện mạo của nhà hàng café Dunkin Donuts ở Quincy đã có nhiều đổi thay theo năm tháng. Năm 2011, nhà hàng được trùng tu lại dựa trên bản thiết kế hiện trạng của những ngày đầu tiên. Ông Carvalho, phát ngôn viên của thương hiệu này nói: Cách bài trí đều theo lối thiết kế giống như nguyên bản của cửa hàng lúc đầu như đặt thêm ghế trước quầy bar, bàn ăn trong ra ngoài, những kỷ vật được đóng khung treo trên tường, trong đó có cả những bức ảnh ông William Rosenberg, những bức hình ghi lại diện mạo cửa hàng những ngày khởi dựng.

Thực đơn của thương hiệu lừng danh này là sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới cũng như nhiều món bánh cổ điển và một số sản phẩm mới như café Cold Brew, café espresso, bánh sừng bò…

Chặng đường của nhà hàng McDonald

Năm1948, tại San Bernardino, California, hai anh em Richard và Maurice McDonald bắt đầu mở cửa hàng bánh hamburger nhỏ, và sau này trở thành một trong những thương hiệu đồ ăn nhanh tên tuổi hàng đầu thế giới.

Những ngày đầu, phía trước cửa hàng đặt một biển quảng cáo bán hamburger với giá 15 cents. Ngoài ra, nhà hàng còn bán khoai tây chiên và nước ngọt. 6 tháng sau, trong thực đơn của nhà hàng có thêm món sữa lắc, món khoai tây chiên dầu thay cho món khoai tây xắt lát mỏng. Phía sau cửa hàng là nơi ở của hai anh em, bãi đậu xe, khu lưu trữ thực phẩm, mặt hàng khô, giấy và khoai tây.

Trước khi trở thành tập đoàn lừng danh thế giới Mc Donald là quán nhỏ ở San Bemardino

Cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của hai anh em nhà McDonald được ra đời ở Phoenix, năm 1953, mang biểu tượng hình mái vòm màu vàng, dòng chữ trắng, nền đỏ.

Năm 1998, Albert Okura đã mua lại cửa hàng đầu tiên ở San Bernardino rồi sửa lại. Tòa nhà sau này trở thành bảo tàng. Trong bảo tàng rộng lớn này còn lưu giữ câu chuyện của những nhân viên đầu tiên đã làm việc tại đây thông qua các bức tranh về họ được đóng khung treo trên tường.

Bảo tàng còn là nơi ghi dấu chặng đường phát triển của Ronald McDonald và nhiều kỷ vật khác gắn liền với thương hiệu lừng danh này. Còn bên ngoài bảo tàng vẫn là chiếc bảng quảng cáo thân quen một thời.

(theo The Wall Street Journal)