📞

Những tín hiệu mong manh

08:08 | 16/12/2008
Một số mặt hàng chiến lược như xi măng, thép đã phát ra những tín hiệu hồi phục nhưng vẫn còn yếu ớt và mang “hơi” đầu cơ. Trong khi đó, một số mặt hàng, dịch vụ khác như cao su, thức ăn chăn nuôi, vận tải tàu biển đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn…

Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Xi măng, tháng 12/2008, nhu cầu tiêu thụ xi măng cả nước có thể ở mức 4 triệu tấn, tăng khoảng 10-12 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, tháng 12 là thời điểm cuối năm - cao điểm của mùa xây dựng. Thêm vào đó, gần đây nhiều chính sách đã cởi trói hơn cho các doanh nghiệp nên các công trình sẽ được đẩy mạnh thi công.

 

Trên thị trường thép, sau 3 tháng sụt giảm liên tục, mức tiêu thụ thép trên thị trường trong tháng 11 đã tăng trở lại, quay về con số tiêu thụ trung bình như thường lệ, khoảng 320.000 tấn. Trong ba tháng trước đó, lượng thép tiêu thụ chỉ dao động khoảng 110.000 tấn mỗi tháng. Tuy nhiên, mức tiêu thụ tăng đột biến vào tháng 11 có thể vẫn chưa phải là mức tiêu thụ thật mà là do các công ty thương mại lợi dụng khi giá thép rơi đến mức thấp, tranh thủ mua vào để dự trữ, chờ khi thép tăng giá trở lại vào mùa xây dựng vào đầu năm tới rồi tung hàng ra bán. Nhiều chuyên gia trong ngành thép nhận định, đây chỉ là dấu hiệu thép được tiêu thụ theo kiểu chạy từ kho này sang kho khác chứ không phải do người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ thực sự cho các công trình, và điều này là không hề vững chắc cho ngành sản xuất thép trong nước.

 

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công Thương, tháng 10/2008, xuất khẩu cao su Việt Nam tiếp tục giảm 3% về lượng và giảm 24% về giá so với tháng 9, đạt 70.000 tấn trị giá trên 152 triệu USD. Theo ước lượng của Hiệp hội Cao su, xuất khẩu trong tháng 11 đạt 70.000 tấn, trị giá 161 triệu USD. 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 586.000 tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 8% về lượng nhưng tăng 25% về trị giá và 36% về đơn giá so cùng kỳ.

 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động vận tải biển đang gặp khó khăn do khách hàng và giá cước vận tải đều giảm mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, với mức giảm trung bình ước tính khoảng 70%. Còn theo Công ty Vận tải Biển Đông, cước vận tải biển chở hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang một số thị trường Nam Mỹ, châu Âu hiện giảm rất mạnh, ước giảm 60-80% so với thời điểm cuối quý II do lượng hàng xuất khẩu giảm. Cước tàu hàng rời từ Việt Nam đi khu vực Nam Mỹ hiện chỉ còn trung bình 10 USD/tấn, giảm khoảng 90U SD/tấn so với 2 tháng trước đây, tàu chở container đi châu Âu còn khoảng 300 USD/TEU thay vì giữ mức bình quân 1300USD/TEU như trước đây.

 

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm 30-35% so với thời điểm tháng 6 và 7. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước hiện tại mới giảm khoảng 20% so với tháng 6. Tổng lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang bị tồn kho cũng khoảng hơn 200.000 tấn, trong đó, lượng sắn tồn khoảng 12.000 tấn, khô đậu 80.000 tấn và sắn lát tồn trên 100.000 tấn. Nguyên nhân tồn kho là do trong thời gian giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của ta đã nhập ồ ạt thức ăn chăn nuôi.

 

Hiệp hội cũng cho biết, hiện nay đang có gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải ngừng sản xuất hoặc có nguy cơ phá sản do thua lỗ.

 

Minh Huyền