Những tòa nhà xây dựng lâu năm như ngôi nhà của bà Edith Macefield ở thành phố Seattle (Mỹ), là ví dụ điển hình cho sự "gan lì" của chủ nhân ngôi nhà trước những dự án xây dựng lớn. Bà già Macefield đã từ chối bán ngôi nhà của mình cho các nhà phát triển đô thị, những người muốn xây dựng một khu mua sắm ở khu vực có ngôi nhà của bà.
Ngôi nhà của bà Edith Macefield nằm kẹp giữa ba mặt là một trung tâm mua sắm. (Nguồn: CityLab) |
Do bà nhất định không chịu bán và dời đi, họ buộc phải xây dựng trung tâm mua sắm bao quanh ba mặt của ngôi nhà.
Tòa nhà của bà Macefield không phải là trường hợp duy nhất. Sau đây là một số tòa nhà như vậy:
Tòa tháp văn phòng ở Osaka
Tòa tháp văn phòng 16 tầng ở trung tâm thành phố Osaka (Nhật Bản) trông giống như bất kỳ toà nhà văn phòng nào khác, ngoại trừ một điều lạ: Có một đường cao tốc đi xuyên qua nó.
Một đường cao tốc đi xuyên qua tòa tháp văn phòng ở thành phố Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: CityLab) |
Năm 1983, chính phủ Nhật đã lên kế hoạch mở rộng con đường cao tốc Hanshin, theo bản vẽ thiết kế thì cần có thêm một thửa đất để mở đường nhánh cho tuyến đường cao tốc, nhưng gia đình người chủ sở hữu tòa nhà không đồng ý bán.
Gia đình này đã điều hành một công ty chuyên cung cấp than củi và gỗ ở đó từ thế kỷ 19. Do tòa nhà của họ đang xuống cấp, họ muốn xây dựng một tòa tháp văn phòng mới, hiện đại. Sau 5 năm đàm phán dằng dai giữa chính quyền và phía gia đình, cuối cùng hai bên đã đạt được một thỏa thuận: Chính phủ cấp cho phía gia đình này các giấy phép cần thiết để xây dựng tòa tháp văn phòng của họ, nhưng với điều kiện con đường cao tốc chạy xuyên qua một phần tòa nhà.
Ngôi nhà Polderhuis ở Rotterdam
Polderhuis là ngôi nhà xây từ năm 1930, nằm lọt bên trong một trung tâm mua sắm ở thành phố Rotterdam của Hà Lan.
Khi các đơn vị phát triển đô thị đến xây dựng trung tâm mua sắm ở khu vực Đông Bắc Rotterdam vào những năm 90, họ đã quyết định giữ lại ngôi nhà lịch sử ở đó.
Ngôi nhà Polderhuis nằm lọt bên trong một trung tâm mua sắm ở thành phố Rotterdam, Hà Lan. (Nguồn: CityLab) |
Ngôi nhà gạch này đã được xây dựng vào năm 1930 và là chỗ ở cho những người khai hoang lấn biển khi đó.
Khu mua sắm được xây dựng bao quanh ngôi nhà Polderhuis và ngày nay ngôi nhà cổ này nằm lọt bên trong một cửa hàng trang trí nội thất cao cấp mang tên Rivièra Maison.
Một bức tường bằng kính khổng lồ cho phép ngôi nhà được nhìn thấy từ xa lộ chạy ngang qua trung tâm mua sắm. Giám đốc điều hành của cửa hàng Rivièra Maison là ông Henk Teunissen cho biết, ngôi nhà Polderhuis vẫn được bảo tồn ở trạng thái ban đầu năm 1930. Ông nói: "Bạn có thể thấy các cửa sổ có bản lề kim loại, các cánh cửa kính và cửa chớp bằng gỗ kiểu cổ”.
Trang trại vây quanh sân bay Narita
Những người nông dân Nhật ngày nay tiếp tục trồng rau tại một khoảng đất bên trong khu vực sân bay Narita, thuộc thành phố Tokyo (Nhật Bản). Nhưng trước đó, vào những năm 1960, họ đã phải đấu tranh với chính quyền khi Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ xây dựng sân bay Narita và mua đất của khoảng 1.200 nông dân.
Những thửa ruộng của nông dân kề sát đường băng sân bay Narita. (Nguồn: CityLab) |
Trong khi một số người đồng ý bán đất, nhiều người phản đối và một phong trào phản kháng đã được thành lập với sự tham gia của nhiều sinh viên vào năm 1970. Theo tờ Japan Times, khi đó đã có đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát, và việc mở cửa sân bay bị trì hoãn cho đến năm 1978 - thậm chí sau đó, sân bay chỉ có một đường băng, so với kế hoạch ban đầu là xây dựng năm đường băng.
Ngày nay, sân bay Narita có hai đường băng, và các quan chức vẫn đang tìm cách di dời khoảng 200 bất động sản ở khu vực xung quanh sân bay, bao gồm một số trang trại. Các cuộc đàm phán bồi thường cho nông dân "có thể mất một thời gian dài", như lời vị lãnh đạo Tập đoàn Sân bay Quốc tế Narita, ông Koh Takagi cho biết.
Trung tâm mua sắm Macy's ở New York
Trung tâm mua sắm khổng lồ Macy's được xây từ năm 1902 ở thành phố New York (Mỹ) không phải là một hình khối chữ nhật hoàn chỉnh.
Trung tâm mua sắm Macy's ở New York có một góc khuyết. (Nguồn: CityLab) |
Nó có một góc khuyết, trong đó chứa một tòa nhà 5 tầng hẹp – bên trong có một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm của các thương hiệu Sunglass Hut và Burger King.
Thiết kế kỳ lạ này bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh có từ thời đó giữa ông chủ của Macy's là nhà kinh doanh Rowland H. Macy và đối thủ Henry Siegel, một nhà kinh doanh khác. Vào những năm 1890, khu vực này đã là nơi mua sắm đông đúc, và trung tâm mua sắm Macy's đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ.
Ông Rowland Macy muốn mua mảnh đất (mà ngày nay là trung tâm Macy’s), nhưng riêng một góc nhỏ ở nơi giao cắt giữa phố 34 và phố Broadway, thì ông Siegel đã nhanh tay mua nó trước.
Người ta kể rằng ông Siegel hy vọng ông ta có thể bán miếng đất nhỏ đó cho ông Macy với giá hời. Nhưng Macy từ chối, và Siegel đã bán nó cho người khác. Ngày nay, một tấm biển quảng cáo đặt ở đây tuyên bố đầy tự hào rằng Macy’s là "trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới" – mặc dù nó có một góc khuyết.
Cửa hàng trang sức Spiegelhalter (Anh)
Nhà phê bình kiến trúc Anh, ông Ian Nairn, đã gọi cửa hàng trang sức Spiegelhalter ở khu vực đông London là "trò đùa lớn nhất trong thành phố".
Trong những năm 1920, người chủ cửa hàng này đã từ chối bán nó cho chủ cửa hàng bách hóa Wickham, lúc đó đang muốn mở rộng và muốn sở hữu tất cả các tòa nhà xung quanh tiệm Spiegelhalter – để xây một cửa hàng khổng lồ.
Do người chủ tiệm Spiegelhalter từ chối, cửa hàng Wickham đã xây dựng bao xung quanh nó - làm cho nó trở thành một tòa nhà bị vây bọc.
Ngày nay, các nhà phát triển đang lên kế hoạch xây dựng một khu phức hợp văn phòng mới. Kế hoạch của họ bao gồm việc phá hủy cửa hàng Spiegelhalter, tuy nhiên nhiều nhóm địa phương đang vận động tìm cách cứu nó. Các nhà phát triển hứa rằng họ sẽ giữ lại mặt tiền của Spiegelhalter còn nguyên vẹn – như vậy ngôi nhà này đã được “cứu” hai lần.