📞
90 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2020):

Những 'vũ khí' trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam

16:55 | 12/09/2020
Vũ khí thô sơ, truyền đơn và ý chí đấu tranh quật khởi của nhân dân Nghệ Tĩnh, đỉnh cao là phong trào Xô viết đã giáng đòn nặng nề vào hệ thống chính quyền thực dân phong kiến những năm 1930-1931.
Khí thế đấu tranh quật khởi của nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh những năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân phong kiến diễn ra đồng thời ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tại Xứ ủy Trung Kỳ, cuộc biểu tình với quy mô lớn tại Vinh - Bến Thủy sáng ngày 1/5/1930 với hàng ngàn công nhân và nông dân dương cao cờ đỏ búa liềm và biểu ngữ đấu tranh hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước.

Cuộc đấu tranh nhanh chóng lan rộng ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tạo thành một phong trào mạnh mẽ, sôi nổi.

Sang đến tháng 9 phong trào đấu tranh lên đến đỉnh cao, mở đầu là cuộc biểu tình của hơn 20.000 nông dân huyện Thanh Chương đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Trước sự tấn công ồ ạt của nhân dân, bọn hào lý địa phương phải bỏ chạy.

Cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất, bãi bỏ thuế thân, thả tù chính trị lan rộng ra các huyện Anh Sơn, Diễn Châu, Can Lộc, Nam Đàn... với sự tham gia của hàng nghìn nông dân trong khí thế sôi sục.

Phong trào được đẩy lên đỉnh cao với cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12/9/1930 với khẩu hiệu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! đả đảo phong kiến”. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình đang kéo về TP Vinh, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 nóc nhà, nhiều làng mạc bị thiêu rụi.

Sự khủng bố của thực dân Pháp không ngăn cản được phong trào đấu tranh của nông dân, mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi khiến cho chính quyền thực dân hết sức lo sợ.

Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, chính quyền phong kiến thực dân nhiều nơi tan rã, sụp đổ. Các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã và lập ra chính quyền Xô viết – chính quyền Xô viết đầu tiên ở Việt Nam.

Nhiều chính sách mới đảm bảo quyền con người như tự do hội họp, bãi bỏ các loại thuế vô lý, người cày có ruộng, được học hành... được thực hiện dưới chính quyền Xô viết.

Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do của người dân mất nước, sống trong đời nô lệ.

Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

“Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Trong cao trào cách mạng năm 1930-1931, với trí sáng tạo và lòng dũng cảm, người dân Nghệ Tĩnh đã biến những vật dụng thường ngày như chĩa 3 răng, giáo, mác, cuốc, thuổng... thành những vũ khí lợi hại để chống chọi lại vũ khí hiện đại của kẻ thù. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần cách mạng, trong các cuộc đấu tranh quần chúng đã tiến thẳng vào huyện đường, phá nhà lao, giải phóng tù chính trị và buộc tri huyện ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân.

Hiện hàng trăm hiện vật, vũ khí của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã được sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An). Bộ sưu tập vũ khí đấu tranh của nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh có một giá trị lịch sử lớn, thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cuộc diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chánh cương vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo cùng với Sách lược vắn tắt đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
Trong phong trào đấu tranh những năm 1930-1931, đỉnh cao là cao trào Xô viết, nhiều truyền đơn đấu tranh với những thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ đã được chuyển tới tay công nhân và tầng lớp dân cày.
Các tờ truyền đơn vừa đa dạng, phong phú, gần gũi, vừa mang đầy đủ tính chất giáo dục, tính thời sự, định hướng nhân dân đấu tranh chống lại thực dân Pháp và tay sai. Bằng nhiều cách khác nhau, những tờ truyền đơn này đã đến được tận tay nhân dân.
Đây là một loại vũ khí bí mật nhưng có sức mạnh to lớn trong kêu gọi, cổ vũ, tập hợp lực lượng, tạo nên sự đồng lòng, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù.
Dưới tiếng trống hào hùng, thúc giục đấu tranh, nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã "đi đầu dậy trước", mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Những tiếng tù và, mõ tre... cùng với tiếng trống, tiếng chiêng đã tập hợp đông đảo nhân dân nhất tề đứng lên đòi quyền lợi cho mình.
Với trí sáng tạo và lòng dũng cảm, người dân Nghệ Tĩnh đã biến những vật dụng thường ngày như chĩa 3 răng, giáo, mác, cuốc, thuổng... thành những vũ khí lợi hại để chống chọi lại vũ khí hiện đại của kẻ thù.
Bên cạnh những vũ khí thô sơ, một số ít ỏi vũ khí hiện đại đã có mặt, góp sức vào cuộc chiến đấu chống cường hào ác bá, chống lại các cuộc đàn áp của thực dân Pháp.
Quả đấm bằng sắt - thứ vũ khí có lẽ là độc đáo và đặc biệt nhất trong lịch sử đấu tranh của nhân dân nô lệ bị áp bức trên thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện liên minh công - nông cùng đấu tranh chống lại kẻ thù chung, vì mục tiêu độc lập dân tộc, ruộng đất dân cày.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được khắc họa lại qua bức tranh với từng đoàn người áo nâu (tượng trưng cho nông dân) cùng đoàn người áo xanh (tượng trưng cho công nhân) và lực lượng tự vệ tay gậy, tay mác hỗ trợ xông lên đương đầu với bom đạn, súng máy của kẻ thù. Tiếng trống lệnh rền vang thúc giục, cờ đỏ búa liềm của Đảng giương cao vẫy gọi. Đoàn biểu tình xông lên với một khí thế “Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.
(Hoàng Lam/Dân trí)