Với việc thành phố Marawi được giải phóng, tham vọng thành lập một “tỉnh” ngoài Trung Đông và Bắc Phi của IS đã bị phá sản. Tuy nhiên, sự kiện đã cho thấy một số vấn đề địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á mà Philippines phải đối mặt trong thời gian tới. Hòa bình tại thị trấn Marawi giờ đây không chỉ phụ thuộc vào chính quyền Manila, mà còn cần đến sự hỗ trợ từ các quốc gia khu vực, cũng như các nhóm ly khai ôn hòa ở Mindanao.
Một binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) trong tòa nhà đổ nát sau chiến dịch giành lại Marawi. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi chính quyền Philippines đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để đánh bật lực lượng này. Họ cho rằng cuộc chiến bị kéo dài là do quân đội Philippines phải tránh mọi chiến thuật có thể đe dọa tính mạng các con tin. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng qua chiến dịch giải phóng Marawi, Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là kinh nghiệm chiến đấu, cũng như thiếu trang thiết bị.
Manila không còn nhiều lựa chọn ngoài việc trông chờ vào hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Đầu tháng Sáu vừa qua, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã có mặt ở gần Marawi để đào tạo và cố vấn cho AFP. Không lâu sau đó, Australia, Singapore, Nga và Trung Quốc đều có động thái hỗ trợ cho Philippines. Tuy nhiên, khi mối đe dọa trước mắt đã được xử lý, viện trợ từ các nước bên ngoài cũng sẽ nhanh chóng giảm bớt.
Đáng lo ngại hơn, bất chấp thất bại vừa qua, những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ vẫn chưa bị tiêu diệt và sẽ tiếp tục gieo rắc kinh hoàng trong khu vực lân cận. Quân đội đã không thể nào đánh bại được tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang lan tràn khắp khu vực.
Bên cạnh đó, việc triển khai một thỏa thuận cho phép thành lập khu bán tự trị ở những nơi đông người Hồi giáo tại Mindanao (khu vực sẽ được gọi là Bangsamoro) đã bị trì hoãn quá lâu. Nếu được thành lập, chính quyền tự trị mới ở Bangsamoro sẽ bao gồm hai nhóm dân tộc Moro đấu tranh đòi ly khai mạnh nhất là Mặt trận giải phóng quốc gia Moro (MNLF) và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF).
Cả hai nhóm ôn hòa và có quy mô lớn này đều cho rằng Hồi giáo cực đoan là đe dọa đối với thịnh vượng của vùng Bangsamoro. Phe này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ quân đội Chính phủ đấu tranh chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, suốt thời gian vừa qua, bản Thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và MILF, MNLF nhằm thiết lập Bangsamoro vẫn chưa được Quốc hội Philippines thông qua. Giờ đây, sự kiện Marawi một lần nữa nhắc nhở Manila về tính cấp thiết của bản Thỏa thuận này. Nếu Thỏa thuận tiếp tục bị trì hoãn, không loại trừ khả năng các nhóm ôn hòa này sẽ liên minh với lực lượng thân IS. Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn khi nhiều binh lính IS đang trở về Đông Nam Á sau thất bại tại Trung Đông.
Có thể nói, cuộc chiến Marawi vừa qua đã bộc lộ những hạn chế trong khả năng kiểm soát khu vực phức tạp này của quân đội Chính phủ. Các lực lượng khác – cả bên trong và bên ngoài Philippines – đều có thể sẵn sàng lấp đầy khoảng trống quyền lực ở đây. Đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn cho Manila nói chung và Đông Nam Á nói riêng.