Ông Sử Đình Vinh, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận. |
Khó khăn, thách thức
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, hiện tỉnh có 3 KCN đã được thành lập là KCN Thành Hải, Du Long và Phước Nam. Riêng KCN Cà Ná, đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Tổng diện tích các KCN trên là hơn 1.682 ha, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy đầu tư tại các KCN vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là các nhà đầu tư hạ tầng thiếu năng lực về tài chính dẫn đến cơ sở hạ tầng KCN chưa được đầu tư đồng bộ nên sức thu hút các nhà đầu tư thứ cấp chưa thật mạnh mẽ.
Đối với KCN Thành Hải do sử dụng ngân sách Nhà nước nên cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh với gần 58ha. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp này đã đạt 100%, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, đóng góp 25% ngân sách tỉnh. Riêng hai khu công nghiệp Du Long và Phước Nam sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng, được triển khai trên quy mô khá lớn gần 800ha, nhưng đến nay tiến độ thi công vẫn còn chậm so với kỳ vọng.
Cụ thể, KCN Phước Nam có quy mô diện tích 370 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập tại Quyết định số 3849/QĐ-UBND ngày 30/6/2008, do Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam Ninh Thuận làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công ước đạt khoảng 30% so với quy mô dự án giai đoạn một với diện tích 153,47 ha/370ha. Khu công nghiệp chỉ thu hút được 11 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký hơn 206 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 17%.
Với KCN Du Long, có quy mô diện tích 407,28 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, dự án do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Du Long làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng mức đầu tư 2000 tỷ đồng. Tính đến nay đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ ước đạt 12,5%, kinh phí đầu tư thực hiện chỉ đạt 4%, tỷ lệ lấp đầy 0%.
Mặc khác, trong năm 2021, do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN dẫn đến việc các dự án đang thi công xây dựng nhà máy không thực hiện được công tác tăng cường nhân lực, điều chuyển nhân lực từ các địa phương, các tỉnh khác đến dự án buộc phải phải tạm dừng thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Vì thế, dù doanh thu thuần và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên so với kế hoạch năm 2021, các chỉ tiêu thực hiện chưa đạt yêu cầu với tổng doanh thu thuần đạt 3.079 tỷ đồng (chiếm 90,5%); nộp ngân sách đạt 380,7 tỷ đồng (chiếm 74,64%); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,759 triệu USD (chỉ chiếm 41,24%); tổng số lao động là 2.195 người (chiếm 98,8%).
Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam tại Ninh Thuận |
Xử lý vướng mắc, tận dụng tiềm nâng
Là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, tiềm năng về thiên nhiên, Ninh Thuận có mang trong mình lợi thế để thu hút đầu tư. Với tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, Ninh Thuận có điều kiện lý tưởng để phát triển điện gió. Ngoài ra, với số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ lớn, Ninh Thuận cũng là địa bàn lý tưởng phát triển năng lượng mặt trời. Về sản xuất công nghiệp, Ninh Thuận đã hình thành ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.
Vì năng lực tại địa phương còn hạn chế nên tỉnh Ninh Thuận đã hướng đến xây dựng hạ tầng các KCN gắn liền với các dự án lớn của Trung ương đang triển khai trên địa bàn như tuyến đường ven biển; nhà máy điện hạt nhân... Vì mục tiêu mà tỉnh đặt ra hiện nay là phát triển KCN ở Ninh Thuận chủ yếu thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm để phục vụ cho các dự án được Trung ương đầu tư trên địa bàn.
Là cơ quan quản trực tiếp các KCN của tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp tích cực vào mục tiêu chung của toàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2021, để giải quyết những khó khăn trước mắt, Ban quản lý đã tích cực đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hạ tầng KCN Du Long; hoàn thành kiểm tra toàn diện dự án KCN Phước Nam theo quyết định 2074/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh; báo cáo xử lý vi phạm tiến độ đầu tư, tiến độ sử dụng đất tại Dự án KCN Phước Nam; hoàn thành trình thẩm định kiểm kê hiện trạng rừng và đất rừng tại khu vực dự án KCN Cà Ná.
Ban quản lý cũng đề xuất sửa chữa một số hạng mục xử lý nước thải KCN Thành Hải và làm việc với nhà đầu tư hạ tầng xây dựng Trạm xử lý nước thải KCN Phước Nam; chỉnh sửa, nâng cấp và đưa Trang tin điện tử Ban Quản lý các khu công nghiệp chính thức vào hoạt động; rà soát các dự án chậm tiến độ và đôn đốc nhắc nhở, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai hoàn thành các hạng mục công trình theo tiến độ. Đặc biệt, theo dõi sát sao tình hình hoạt động, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp cũng như tăng cường hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương,...
Đồng thời, triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Vì vậy, tính đến nay các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp đã thực hiện cơ bản và kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh không có trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Ngoài tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn tỉnh Ninh Thuận cũng dần thay đổi về phương thức tiếp cận thu hút đầu tư, cơ chế chính sách mới theo khung quy định để thu hút đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp cơ khí; chế tạo; sửa chữa… để phục vụ lại cho các tỉnh, thành phố lân cận theo nguyên tắc và đảm bảo cung – cầu.
Minh chứng là việc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nam thực hiện dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn một. Dự án hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp tại KCN trên địa bàn tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương thúc đẩy, hoàn thiện hạ tầng đối với các dự án chưa hoàn thiện, đồng thời giúp cho tỉnh tăng kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài, có tiềm lực mạnh đến tỉnh để đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Qua đó, thúc đẩy KCN của tỉnh bứt phá, góp phần phát triển kinh tế địa phương.