📞

Nỗ lực cải thiện năng lực quốc phòng, Nhật Bản có thể triển khai tên lửa siêu vượt âm năm 2030

14:31 | 03/11/2022
Kế hoạch triển khai tên lửa siêu vượt âm diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện năng lực quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa mới trong khu vực và trên thế giới.
Nhật Bản có thể mua Tomahawk của Mỹ và nâng cấp tầm bắn của tên lửa Type 12 trong quá trình phát triển tên lửa siêu vượt âm. (Nguồn: GSDF)

Ngày 3/11, tờ Nikkei đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc triển khai tên lửa siêu vượt âm (hypersonic speed) vào năm 2030 để tăng cường khả năng răn đe thông qua phản công. Tên lửa siêu vượt âm có thể bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh và có quỹ đạo phức tạp, rất khó bị đánh chặn.

Hiện có một số ý kiến cho rằng Tokyo có thể triển khai tên lửa tầm xa trong 3 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Nhật Bản sẽ mua tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất. Ở giai đoạn hai, Tokyo có thể nâng cấp tầm bắn của tên lửa đất đối hạm Type 12, từ 200 km ở hiện tại lên mức 1.000 km. Việc phát triển và sử dụng các tên lửa siêu vượt âm có thể sẽ nằm trong giai đoạn thứ ba.

Tokyo đang tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ bằng tên lửa trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và các đợt phóng tên lửa hành trình mới đây của Triều Tiên khiến môi trường an ninh thế giới cũng như khu vực liên tục biến động.

Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng Nhật Bản tiếp tục tăng. Tài liệu cho thấy yêu cầu ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm tài khóa tiếp theo là 6.000 tỷ Yen (42 tỷ USD), tăng 10% so với năm trước.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng đã đến lúc Tokyo cũng cần cân nhắc triển khai cải cách triệt để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) về tuyển quân, huấn luyện, triển khai lực lượng cũng như năng lực tác chiến, đặc biệt là trong các xung đột chớp nhoáng.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo cũng từng kêu gọi xứ sở hoa anh đào di dời tài nguyên chiến lược khỏi quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, nơi Tokyo và Moscow vẫn tranh chấp chủ quyền.

(theo Nikkei)