Nhỏ Bình thường Lớn

Nỗ lực dập đám cháy lạm phát

“Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2011 đã tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm 2010 và đã 6 lần VND bị phá giá so với USD kể từ tháng 6/2008, dường như Chính phủ Việt Nam mới đây đã rất quyết tâm dập tắt đám cháy lạm phát". Đó là nhận định của The Economist số ra ngày 5/5. Họ đã nói gì về lạm phát ở Việt Nam? TG&VN xin giới thiệu bài viết này.
Với Nghị quyết 11, Chính phủ đã không còn phân vân giữa chống lạm phát hay tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh VND liên tục mất giá trong năm vừa qua, người Việt Nam đổ xô đi mua các mặt hàng bảo toàn giá trị. Những người không muốn chứng kiến tiền tiết kiệm của họ tan thành mây khói có thể đến cửa hàng vàng bạc để mua những thỏi vàng miếng. Nhưng dường như chính phủ Việt Nam mới đây đã quyết tâm dập tắt đám cháy lạm phát. Ngày 4/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nâng lãi suất lên 14%, sau một loạt đợt tăng kể từ tháng 2/2011. Kèm theo đó là các cam kết thắt chặt tiền tệ và tín dụng, cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết 11 được phổ biến rộng rãi, gói biện pháp này chứng tỏ Chính phủ không còn phân vân giữa chống lạm phát hay tăng trưởng kinh tế. Cụm từ "kinh tế tăng trưởng" đã không xuất hiện trong Nghị quyết. Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa qua ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 7-7,5%. Cũng tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết chính phủ đã thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ thực thi Nghị quyết 11. Điều này không có gì lạ, bởi chính Thống đốc NHNN cũng là một thành viên chính phủ, mà không được hưởng sự độc lập trong hành động của một ngân hàng trung ương như những nước khác.

Nghị quyết 11 buộc NHNN phải hạn chế tín dụng tư nhân hiện đã vượt 120% GDP, so với dưới 40% vào năm 2001. Theo chuyên gia Jonathan Anderson của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), nếu tính theo chỉ số này Việt Nam giữ kỷ lục thế giới về tạo nợ, mặc dù tiền gửi ngân hàng hầu như vẫn theo kịp tốc độ cho vay.

NHNN cũng đang phải đối phó tình trạng USD hóa và thậm chí "vàng hóa" trong nền kinh tế. Mặc dù chính phủ vẫn kiểm soát vốn, nhưng những người có tiền thích chuyển sang giữ ngoại tệ mạnh hoặc vàng nhiều một cách bất thường. Việt Nam là nơi chứa một lượng lớn USD, phần nhiều trong đó là tiền kiều hối gửi về từ nước ngoài, và một khối lượng vàng đáng kể. Các ngân hàng Việt Nam nhận gửi tiết kiệm bằng USD và tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đông Á thậm chí còn lắp đặt một máy ATM cho phép rút vàng miếng. Tháng 4 vừa qua, chính phủ khống chế mức trần lãi suất tiền gửi đối với USD ở mức 3%, so với mức 14% dành cho VND. Chính phủ cũng ra tay chấn chỉnh thị trường vàng chợ đen. Ngay cả Ngân hàng Đông Á cũng không còn muốn nói về cái máy ATM nhả ra vàng của mình.

Song song với nỗ lực phục hồi lòng tin vào VND, Việt Nam đang ra sức khôi phục nền tài chính công. Trong Nghị quyết 11, chính phủ cam kết sẽ cắt giảm đầu tư công, sau khi nó chiếm tới 17% GDP trong năm 2009 và hiệu quả bị nghi ngờ nghiêm trọng. Năm ngoái, Vinashin, tập đoàn đóng tàu khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, đã gần như bị phá sản do đầu tư kinh doanh quá dàn trải.

Chỉ khi nào các dự án đầu tư công mang lại hiệu quả, Việt Nam mới có thể hy vọng duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững 7-8% trong tương lai mà không sợ bị áp lực lạm phát như trong những năm gần đây. Dự đoán, áp lực này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tháng sắp tới. Gần đây, Chính phủ đã chấp nhận tăng giá nhiên liệu, điện và sẽ mất thời gian trễ để chúng tác động tới nền kinh tế. "Những tác động này sẽ không diễn ra sau một đêm", ông Ayumi Konishi - Giám đốc quốc gia của ADB nói. Tuy nhiên, vụ thu hoạch Đông xuân sắp tới sẽ giúp giá lương thực giảm xuống. Trước đó giá gạo tăng cao do người nông dân găm giữ không chịu bán ra. Những bao gạo, chứ không phải những miếng vàng sẽ là vật để người nghèo chống lại lạm phát.

Thùy Trang (gt)