📞

Nỗ lực hoàn thành sớm công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia

14:48 | 22/06/2012
Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và làm tốt công tác quản lý, phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới Việt Nam - Campuchia đã, đang và sẽ giúp ổn định đời sống của người dân vùng biên, từ đó góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam về những khó khăn và thành tựu bước đầu trong quá trình thực hiện công tác này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.

Xin Thứ trưởng đánh giá về tình hình phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia thời gian qua nói riêng và việc hợp tác về quản lý biên giới và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giữa hai nước nói chung? Kết quả và ý nghĩa của hoạt động này?

Tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137km, bắt đầu từ điểm ngã ba biên giới giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào thuộc tỉnh Kon Tum tới điểm cuối cùng nằm trên bờ biển giữa hai nước thuộc tỉnh Kiên Giang. Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 2005, hai bên dự kiến sẽ cắm tổng số 314 vị trí mốc trên toàn tuyến biên giới và thực hiện công tác phân giới giữa các mốc để làm rõ đường biên giới. Đến thời điểm hiện tại hai bên đã cắm được khoảng 75% số lượng cột mốc. Song song với công tác phân giới cắm mốc, hai bên cũng đang triển khai công tác thành lập bộ bản đồ địa hình biên giới để thể hiện và ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc; xúc tiến việc soạn thảo Nghị định thư phân giới cắm mốc và các văn bản liên quan tới công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu. Khối lượng công việc còn lại khá lớn, lại đều thuộc những khu vực khó khăn, phức tạp do địa hình rừng núi hiểm trở, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đời sống và canh tác qua lại của người dân hai bên... Vì vậy, để hoàn thành đúng kế hoạch phân giới cắm mốc trên thực địa như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, hai bên cần phải quyết tâm cao và hợp tác chặt chẽ nhịp nhàng với nhau trên tinh thần hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng, quan tâm tới lợi ích của nhau, cố gắng tìm giải pháp phù hợp để có thể sớm hoàn thành công tác này.

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Bộ trưởng cao cấp Campuchia Va Kim Hông ký Bản Ghi nhớ.
Bên cạnh công tác phân giới cắm mốc, hai bên còn quan tâm đẩy mạnh hợp tác giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội vùng biên. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương, hai nước đã hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các ngành chức năng quản lý biên giới và các cấp chính quyền các tỉnh hai bên biên giới. Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia là một diễn đàn hợp tác thành công của hai bên được tổ chức đều đặn hằng năm, từ năm 2004 tới nay. Thông qua diễn đàn này, các địa phương giáp biên giữa hai nước đã trực tiếp, chủ động hợp tác giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, phòng chống các loại tội phạm, quản lý biên giới và một số vấn đề cụ thể khác. Đây là một cơ chế cần thiết và ngày càng có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới hai nước.

Hai bên cũng tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông, đầu tư phát triển hệ thống cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu trong khu vực biên giới. Trong những năm vừa qua, nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực này được thực hiện như dự án cải tạo nâng cấp đường từ cửa khẩu Lệ Thanh - An Đông Pếch đi tỉnh lị tỉnh Ratanakiry, dự án xây dựng cầu Long Bình - Prây Thom bắc qua sông Bình Ghi; nhiều cặp cửa khẩu đã được hai bên nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc qua lại, giao thương: cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An) - Prây Vo (tỉnh Svay Riêng) từ cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu Hoàng Diệu (tỉnh Bình Phước) - Lapakhê (tỉnh Mondunkiri), Vĩnh Hội Đông (tỉnh An Giang) - Kom Pung Kroxăng (tỉnh Tà Keo) từ cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính; các khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư, phát triển nhằm tăng cường việc tạo thuận lợi cho phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước...

Hiện nay, công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia còn gặp những tồn tại gì và phương hướng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?

Để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, trước mắt hai bên còn một khối lượng lớn các công việc phải làm như hoàn thành việc xác định mốc và phân giới ở các khu vực còn lại, kết thúc việc xây dựng bộ bản đồ địa hình biên giới, hoàn thành việc xây dựng Nghị định thư ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc, các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu... Đây là những công việc mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi hai bên cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, vì lợi ích lâu dài của hai dân tộc nên Chính phủ hai nước đã chỉ đạo Ủy ban liên hợp cũng như các lực lượng làm công tác phân giới cắm mốc hai bên quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tìm kiếm các giải pháp phù hợp.

Thời gian qua, hai bên đã tích cực hợp tác thúc đẩy tiến trình phân giới cắm mốc. Tháng 4/2011, Chính phủ hai bên đã ký Bản Ghi nhớ điều chỉnh biên giới ở một số khu vực tồn đọng theo hiện trạng quản lý trên cơ sở hoán đổi đất cho nhau đảm bảo phù hợp về lợi ích và diện tích. Mô hình này đảm bảo sự ổn định, hạn chế tối đa việc gây xáo trộn sản xuất và đời sống, đáp ứng đúng với nguyện vọng của người dân nên đã được người dân hai bên đồng tình ủng hộ. Hiện nay, Ủy ban liên hợp hai nước đang áp dụng mô hình này để giải quyết biên giới ở những khu vực tồn đọng có tính chất tương tự.

Theo Thứ trưởng, hai nước cần làm gì để bảo đảm sự ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân biên giới hai nước, tiến tới thực hiện mục tiêu xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững như cam kết trong Tuyên bố chung nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Vương quốc Campuchia ngày 8/12/2011?

Một đường biên giới được xác định và đánh dấu rõ ràng trên thực địa sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định đời sống của người dân, người dân sẽ yên tâm làm ăn sinh sống khi họ có thể nhận biết rõ đâu là đường biên giới. Quản lý và đảm bảo biên giới được ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, việc xác định đường biên giới một cách rõ ràng, cụ thể cũng giúp cho các lực lượng chức năng của hai bên quản lý biên giới được hiệu quả, giúp cho việc ngăn chặn, phòng chống các hành vi như buôn lậu, trốn thuế, qua lại biên giới trái phép được thuận lợi... Do vậy, việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, hai bên cần quan tâm tới việc đầu tư phát triển và quy hoạch hệ thống cửa khẩu, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, thương mại trên biên giới và ban hành các chính sách thông thoáng để thúc đẩy buôn bán, đầu tư, trao đổi hàng hóa, phát triển du lịch và qua lại biên giới giữa hai nước. Vấn đề hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên cũng là một lĩnh vực cần được quan tâm, người dân hai nước nói chung và người dân trong khu vực biên giới nói riêng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên này. Trên biên giới Việt Nam - Campuchia hiện nay có tiềm năng rất lớn trong việc hợp tác xây dựng các công trình thủy điện, các nguồn tài nguyên sinh vật trên sông suối biên giới, khai thác phát triển du lịch...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Kim Chung (thực hiện)