Bộ Tài chính Mỹ cho biết việc cho phép Chevron bán dầu của Venezuela phản ánh chính sách lâu dài của Washington nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu dựa trên các bước đi cụ thể đối với Caracas. (Nguồn: Getty) |
Một phát ngôn viên của Chevron khẳng định, công ty này đã nhận được giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC).
Theo đó, công ty được phép sản xuất và vận chuyển dầu mỏ hoặc các sản phẩm dầu mỏ do Liên doanh Chevron (JV) sản xuất và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa các công ty liên doanh của Chevron.
Được OFAC thông qua trong bối cảnh Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các thành viên đảng đối lập đã nối lại các cuộc đàm phán tại Mexico City, giấy phép sẽ gia hạn trong 6 tháng tới và có thể bị thu hồi sớm bất cứ lúc nào.
Công ty dầu mỏ nhà nước Petróleos de Venezuela, S.A., sẽ không thể nhận được lợi nhuận từ hoạt động của Chevron theo các điều khoản của trợ cấp.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, hành động trên phản ánh chính sách lâu dài của quốc gia này nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu dựa trên các bước đi cụ thể đối với Venezuela.
Mặc dù bộ trên nhấn mạnh lý do nhân đạo cho quyết định này, nhưng nhiều chuyên gia suy đoán rằng, chính phủ liên bang đang xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt Venezuela đối với các nguồn năng lượng thay thế khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không muốn tăng sản lượng dầu.
Chevron trước đó đã nhận được quyền miễn trừ vào năm 2019 nhưng năm sau, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược quyền miễn trừ như một phần của chiến dịch gây áp lực đối với chính phủ của ông Maduro.
Venezuela có trữ lượng dầu rất lớn theo ước tính của BP, song các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất đã gây khó khăn rất lớn cho khả năng tận dụng tối đa trữ lượng của nước này.