Thành phố Yakutia ở Siberia, Nga được cho là nơi lạnh nhất thế giới có người sinh sống. (Nguồn: Siberian Times) |
Nếu bạn thấy thời tiết hôm nay quá lạnh nên ngại ra khỏi nhà, thì hãy cảm thấy may mắn vì đã không phải sống ở vùng cao nguyên Đông Nam Cực. Theo NASA, đây là nơi lạnh nhất trên Trái đất, nơi nhiệt độ có thể xuống thấp tới -93,2 độ C.
Mới đây, các vệ tinh trái đất của NASA đã phát hiện ra, khu vực có nhiệt độ lạnh nhất thế giới nằm trên một sườn núi cao thuộc Đông Nam Cực. Vào mùa Đông, trời quang đãng, nhưng mức nhiệt hạ rất sâu, khiến con người khó thể tồn tại.
Nhiệt độ quá lạnh có thể gây nguy hiểm cho con người. Theo dữ liệu từ cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ, với nhiệt độ -70,5 độ C, con người chỉ mất 2 phút sẽ bị bỏng lạnh. Thậm chí, thời tiết lạnh còn nguy hiểm hơn nắng nóng.
Trước đó, nhiệt độ lạnh nhất từng được cảm biến vệ tinh ghi nhận ở mức -93,2 độ C, phát hiện ở một sườn núi giữa Dome Argus và Dome Fuji thuộc Nam Cực vào tháng 8/2010.
Năm 1968, trạm Vostok của Liên bang Xô Viết cũng đo được tại cao nguyên Nam Cực nhiệt độ lạnh nhất là -88,3 độ C.
Hiện tại, nơi lạnh nhất thế giới có người sinh sống là thành phố Yakutia ở Siberia, Nga. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, thành phố vẫn có khoảng 300.000 người sống.
Theo kết quả đo được, vào mùa Đông, nhiệt độ tại Yakutia vào khoảng -50 độ C, nhưng đã có lúc hạ xuống -70,5 độ C.
Vào những ngày thời tiết lạnh, người dân và du khách được khuyến cáo không đeo kính ra bên ngoài vì phần kim loại của kính sẽ bị đóng băng và dính vào mặt, thậm chí sẽ làm rách má nếu cố tình tách ra.
Ngoài ra, trang phục không thể thiếu khi ra đường là mũ lông cáo Bắc Cực và găng tay, không để bất cứ phần da thịt nào hở ngoài trời lạnh, nếu không sẽ bị bỏng lạnh.
Đa phần người dân và học sinh ở đây di chuyển bằng xe bus. Trong khi đó, nhiều người phải lắp hệ thống sưởi trong ô tô và quấn chăn vào bình ắc quy để có thể khởi động xe khi trời quá lạnh.