📞

Nỗi lo “chảy máu nghệ thuật”

07:43 | 20/10/2014
Thành phố Detroit (Mỹ) trước nguy cơ phá sản đã phải bán bộ sưu tập tranh của Van Gogh và Picasso. Chính phủ Bồ Đào Nha vừa quyết định mở bán đấu giá 85 bức tranh của họa sĩ Joan Miró với hy vọng thu về được 36 triệu euro cho ngân sách nhà nước. người ta đang lo ngại nụ cười của nàng Mona Lisa sẽ không còn tỏa sáng tại Bảo tàng Louvre danh giá của Pháp?
Bức tranh Peinture (Etoile Bleue) của Joan Miró từng bán được 37 triệu USD tại London.

Tranh Joan Miró chờ vượt biên giới

Là họa sĩ tiêu biểu của trường phái trừu tượng, Joan Miró (1893-1983) gạt bỏ những quy ước của hội họa truyền thống để đưa trí tưởng tượng tuyệt vời vào trong những sáng tác của mình. Các tác phẩm của ông mang một sức mạnh tiềm tàng mà không phải ai cũng hiểu được nhưng lại đặc biệt được yêu thích.

Việc Chính phủ Bồ Đào Nha hy vọng thu về được 36 triệu EUR cho ngân sách là hoàn toàn khả thi bởi cách đây hai năm, tác phẩm Peinture (Etoile Bleue) của danh họa Tây Ban Nha này đã bán tại London với giá hơn 23 triệu bảng (37 triệu USD). Đây là mức giá kỷ lục đối với tác phẩm do họa sỹ này sáng tác và cũng là mức cao nhất tại một cuộc đấu giá diễn ra ở London năm 2012, cao hơn nhiều so với mức dự kiến ban đầu là 10-15 triệu bảng.

Theo nhà đấu giá Anh quốc Christies, bộ sưu tập tranh mà Bồ Đào Nha đang mở bán đấu giá là "bộ sưu tập lớn nhất, ấn tượng nhất của Joan Miró được mở bán cho đến thời điểm này", trong đó có bức họa Những phụ nữ và đàn chim ước tính giá trị từ 4,8-8,4 triệu EUR. Thế nhưng, cuộc đấu giá bộ sưu tập này liên tục bị trì hoãn; khó khăn về pháp lý, hành chính chưa cho phép các tác phẩm nghệ thuật này ra khỏi biên giới Bồ Đào Nha.

Giới hoạt động văn hóa, nghệ thuật Bồ Đào Nha cũng cho rằng bộ sưu tập đang bị bán tống bán tháo với giá rẻ mạt và chỉ là “muối bỏ biển” so với món nợ 210 tỷ EUR của nước này.

Số phận nàng Mona Lisa

Tác phẩm Mona Lisa của Leonardo da Vinci có lẽ là kiệt tác nổi tiếng nhất thế giới. Nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan Bảo tàng Louvre tại Paris mỗi năm. Ngay từ năm 1962, cuốn Kỷ lục Guinness tại Mỹ đã nhận định bức tranh của họa sĩ Leonardo da Vinci có giá khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, trên trang thông tin đối ngoại Pháp France 24, nhà báo Ratiba Hamzaoui cho biết, so với món nợ khoảng 2.000 tỷ EUR của ngân sách Pháp, giá trị của bức tranh có lẽ chỉ giống như là "món tráng miệng ngọt ngào".

Mặc dù vậy, với 173 viện bảo tàng và khối di sản văn hóa giàu có bậc nhất thế giới, Pháp hoàn toàn có đủ điều kiện để cải thiện tình trạng nợ nần của quốc gia. Vấn đề nan giải hơn là giới chức Pháp đang phải đối mặt với việc bảo quản, chăm sóc khối hiện vật văn hóa khổng lồ này. Chỉ riêng tác phẩm hội họa của trường phái ấn tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Orsay cũng đã làm tăng các khoản nợ của Tòa Thị chính Paris lên khoảng 4 tỷ USD từ nay đến cuối năm.

Trên thực tế, Luật của Pháp quy định cấm bán hiện vật thuộc về bảo tàng công. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nước Pháp đã bắt đầu bán một số tài sản có giá trị trong bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ của mình như bất động sản ở nước ngoài, những chai rượu quý còn trữ trong hầm rượu của điện Élysée hay cho thuê các địa điểm hội họp, triển lãm ở các "vị trí vàng" tại thủ đô Paris ...

Dư luận trái chiều

Nếu việc rao bán bức họa Mona Lisa trở thành sự thật thì điều này không chỉ làm tổn thương đến tình cảm của người Pháp với một di sản văn hóa lịch sử mà còn là bất hợp pháp. Theo Điều 415-5 trong Luật Di sản Pháp, “các bộ sưu tập được giữ tại các bảo tàng mà thuộc quyền quản lý của các cơ quan được xem là tài sản công”.

Nếu thực sự muốn bán bức họa này, nước Pháp buộc phải tiến hành thay đổi Luật Di sản. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là các nhà tài trợ cho hệ thống bảo tàng sẽ lao vào cuộc chiến đấu giá. Trên thực tế, hầu hết di sản văn hóa Pháp có được là nhờ cá nhân đóng góp. Những người này đã được hưởng ưu đãi thuế và họ sẽ được bồi thường rất nhiều nếu tác phẩm mà họ tặng cho chính phủ bị bán đi.

Hiện tại, tin đồn và giá trị bán của bức họa của Leonardo da Vinci La Joconde vẫn thuộc về thiểu số và chưa thực sự nghiêm túc. Thế nhưng, nó lại làm dư luận Pháp và các nước châu Âu như Italy, Hy Lạp vốn đang phải đối mặt với những khoản nợ công khổng lồ, phải suy nghĩ nghiêm túc về một tương lai tài chính bất định cùng với mối lo “chảy máu nghệ thuật” của quốc gia mình.

TIẾN NGUYỄN