Nhỏ Bình thường Lớn

Nỗi lo từ đồ sơ sinh: Vàng thau lẫn lộn

Ai cũng biết, làn da của bé sơ sinh và nhũ nhi rất mỏng và nhạy cảm. Chính vì thế, lựa chọn đồ dùng cho bé là một bài toán hóc búa mà các mẹ không dễ gì tìm được lời giải, khi mà trên thị trường đồ sơ sinh hiện nay - hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng nội, hàng ngoại… như một ma trận. Lối thoát duy nhất mà các mẹ tìm thấy là chủ động biến đứa con bé bỏng của mình thành “chuột bạch” thử dùng sản phẩm của từng hãng, cho đến khi nào thấy hợp thì thôi… May rủi chỉ có ông Trời mới biết.

Từ khăn giấy ướt kém chất lượng…

Trẻ sơ sinh, mỗi ngày cần được thay tã từ 6-8 lần, nhất là trong những tháng mới chào đời. Đánh vào tâm lý nghi ngại của các bà mẹ trẻ, sợ con bị lạnh nếu mỗi khi thay tã, người ta đã sản xuất ra loại khăn giấy ướt để các mẹ chỉ cần lau cho con là xong. Chính vì thế mà mặt hàng này bán rất chạy, nhà nhà dùng khăn ướt, người người sản xuất khăn ướt, còn chất lượng thì chỉ có nhà sản xuất mới biết.

Các bà mẹ đua nhau dùng khăn ướt cho con, cứ thấy con thơm tho là thích, nhưng hiếm ai quan tâm đến chuyện, chiếc khăn ướt đó thơm tho là do chất gì, vì sao ở trạng thái ướt mà nó không hề bị ẩm mốc…? Chính vì sự thiếu cẩn trọng này của người tiêu dùng mà các cơ sở sản xuất thủ công đua nhau kiếm lời bằng cách sử dụng các loại hương liệu công nghiệp, bất cần biết là nó có khả năng gây dị ứng và bệnh ngoài da cho các bé. Còn các mẹ, chỉ khi thấy con mình có những biểu hiện bất thường mới đi đến kết luận là “không hợp” rồi chuyển sang thử dùng sản phẩm của hãng khác. Rất nhiều mẹ cứ tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa, rồi lại gặp vỏ dưa… mà vẫn chưa tìm được cho con mình loại khăn ướt an toàn. Chỉ có em bé là vô tình trở thành nạn nhân của những người lớn vô tâm.

Hiện ở Việt Nam chưa hề có nghiên cứu nào về chất lượng cũng như độ an toàn của các loại khăn giấy ướt dành cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất các bà mẹ nên vệ sinh cho bé bằng cách rửa nước thông thường, nếu sử dụng khăn giấy ướt chỉ nên dùng các loại không có mùi, của các thương hiệu quen thuộc, cảnh giác với sản phẩm nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

…Đến sữa tắm và dầu gội đầu có dioxane

Sau khi Tổ chức An toàn mỹ phẩm (CSC) của Mỹ thông báo một số mẫu sản phẩm sữa tắm và dầu gội dành cho trẻ em có hoá chất formaldehyde và dioxane có nguy cơ gây ung thư ở người, một lần nữa đã gây sốc đối với các bà mẹ.

Chỉ nói riêng các chủng loại sữa tắm và dầu gội đầu dành cho trẻ em hiện nay đã khiến người tiêu dùng hoa mắt, chóng mặt. Ngoài những sản phẩm “đã bị lộ” là nhiễm hóa chất nguy hiểm thì còn bao nhiêu sản phẩm “chưa bị lộ”?

Người Việt Nam, với tâm lý “sính ngoại”, rất tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm mã vạch nước ngoài, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo… chi chít tiếng nước ngoài. Càng hàng “xách tay” thì càng được hâm mộ, giá nào cũng phải cố mua cho con và cứ tưởng như thế là tốt, là an tâm. Ngoài lời quảng cáo của người bán thì người tiêu dùng chẳng hề có một căn cứ tin cậy nào về chất lượng sản phẩm.

Và... quần áo nhiễm formaldehyde

Quần áo cho trẻ sơ sinh được bày bán rất nhiều trên các phố, nhưng ít khi khách hàng nhận được sự tư vấn chân thành và cởi mở. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường chỉ mua hàng theo sự tư vấn của người bán về sử dụng chứ không biết loại nào chất lượng hay không chất lượng.

Sau khi có thông tin đồ chơi và quần áo trẻ em xuất xứ Trung Quốc có nhiễm hóa chất formaldehyde, các gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, hết sức lo lắng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây chính là một tác nhân gây ung thư – gây bệnh ở mũi, miệng và có thể là thủ phạm gây bệnh bạch cầu.

Từ trước đến nay, quần áo xuất xứ Trung Quốc chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng rất ưa chuộng mặt hàng này bởi ưu điểm mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng, thậm chí chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với hàng nội và hàng nhập từ các nước khác. Để có những sản phẩm rẻ như vậy, các công ty sản xuất đã sử dụng nhiều nguyên liệu, hóa chất không đảm bảo, thậm chí còn nguy hại đến sức khoẻ cho con người.

Cái khó nhất hiện nay là Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật về quy định hàm lượng hóa chất có trong các sản phẩm may mặc. Trong khi đó, các nước trên thế giới và ngay cả Trung Quốc đã ban hành, kiểm soát nghiêm ngặt sự có mặt của các chất nguy hiểm trong các sản phẩm dệt may nhập khẩu, nhất là sản phẩm dành cho trẻ em.

Tân Thanh