📞

Nơi mở cửa, nơi tạm dừng đón khách đi lễ đầu năm

Văn Anh 17:24 | 05/02/2022
Do tình hình dịch Covid-19, nhiều lễ hội, đền chùa đã thông báo tạm dừng tổ chức đón khách tham quan, đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, vẫn có số ít địa điểm còn mở cửa và áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) sẽ mở cửa đón khách đi lễ đầu năm. (Nguồn: Dân trí)

* Chùa Tam Chúc mở cửa đón khách tham quan

Chùa Tam Chúc (Hà Nam) được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, xây dựng trên nền ngôi Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1.000 năm. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây là địa điểm thu hút nhiều người dân từ mọi miền tới du xuân và đi lễ đầu năm.

Năm nay, lượng khách đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) giảm nhiều nên người dân thảnh thơi hơn trong việc đi lễ, không còn cảnh chen chúc như một số năm trước đó.

Ghi nhận vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần (ngày 4/2), hàng nghìn người dân đã đổ về quần thể khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc, tuy nhiên lượng khách này so với những năm chưa có dịch Covid-19 thì còn khá khiêm tốn.

Theo Ban quản lý chùa Tam Chúc, ngay từ sáng mùng 4 Tết, lượng khách từ nhiều địa phương đã đổ về khu du lịch tâm linh Tam Chúc khiến một số thời điểm bị ùn ứ đoạn đường vào cổng hoặc quầy bán vé tàu.

Khu vực bãi xe dành cho khách tham quan dù còn ít chỗ trống nhưng không chật kín, quá tải như những năm trước.

Để kiểm soát lượng khách, tránh tình trạng chen chúc khi khách tham quan tại chùa Tam Trúc, năm nay BQL chùa đã lên phương án cho khách di chuyển bằng thuyền hoặc đi bộ khi đi từ khu vực thủy đình vào bên trong. Với chiều ngược lại khách sẽ được hỗ trợ ra bằng xe ô tô và xe điện.

Các biện pháp phòng dịch như quét mã QR, khai báo y tế, các máy rửa tay nước sát khuẩn cũng được bố trí tại nhiều khu vực cửa ra vào. Nhân viên tại đây liên tục khuyến cáo du khách phòng dịch.

Dù đã có hàng nghìn khách tới tham quan trong ngày nhưng bến thuyền vẫn chưa hoạt động hết công suất, một số thuyền lớn vẫn nằm chờ, không sử dụng đến.

* Chùa Hương thực hiện nghiêm tạm dừng tổ chức lễ hội

Ngày 5/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra việc tạm dừng lễ hội tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức) và các lễ hội khác trên địa bàn thành phố, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và TP. Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, huyện Mỹ Đức đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Khu vực suối Yến phong quang, không còn cảnh đò xếp hàng la liệt chờ đón khách.

Hàng quán khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù, đường lên động Hương Tích đóng cửa. Dọc suối Yến và các đường dẫn lên các di tích trong Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn sạch sẽ, gọn gàng, không có rác thải bừa bộn.

Theo Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, ngày 6/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch) là ngày mở cửa rừng của người dân trong vùng, thường trùng với lễ khai hội chùa Hương những năm trước.

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn tạo điều kiện cho 1 - 2 đoàn đại diện cho nhân dân, thực hiện các nghi thức tâm linh tại các di tích trong khu vực chùa Hương. Những người tham gia thực hiện các nghi thức tâm linh phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao tinh thần thực hiện nghiêm túc của huyện Mỹ Đức, đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân và du khách để mọi người hiểu, thực hiện các quy định.

Ngày 6/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục kiểm tra việc tạm dừng các lễ hội khác như: Lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)...

Trước đó, thực hiện công tác quản lý lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội Xuân trên địa bàn.

Trong những ngày Tết, ngày chính lễ tại các điểm di tích, các nơi thờ tự thực hiện việc thờ cúng theo truyền thống đảm bảo ấm cúng, trang trọng.

Các địa phương phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính lễ hội; vận động nhân dân không lập bàn thờ tạm gần các di tích, chùa, đền, cài tiền lẻ tại cổng... để bái vọng, làm mất mỹ quan, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ; giỗ chạp, mừng sinh nhật, tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm; các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí đảm bảo phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội.

Các địa phương hướng dẫn, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu của nhân dân (tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến).

* Đền Bà Chúa Kho đóng cửa từ mùng 5 tháng Giêng

Ông Nguyễn Xuân Lệ (đại diện Ban quản lý đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh) cho biết, đền Bà Chúa Kho tạm dừng đón khách từ ngày 5/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần) cho đến khi có thông báo mới.

Đền Bà Chúa Kho đóng cửa từ mùng 5 tháng Giêng. (Nguồn: Dân trí)

Ông Lệ cho hay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, du khách về lễ đền Bà Chúa Kho quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, Ban chỉ đạo Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Vũ Ninh và Ban tổ chức Lễ hội đền Bà Chúa Kho quyết định đóng cửa đền, tạm dừng đón khách.

Đại diện Ban quản lý đền Bà Chúa Kho nói: "Việc đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Vào thời điểm năm ngoái, đền Bà Chúa Kho cũng phải tạm dừng lễ hội, đóng cửa đền. Chúng tôi cũng sẽ thông báo rộng rãi cho quý khách xa gần khi đền được mở cửa trở lại".

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.

(tổng hợp)