📞

Nóng cuộc đua vaccine ngừa Covid-19

Thế Linh 15:17 | 22/05/2020
TGVN. Các chuyên gia về y tế đều tin rằng, thế giới sẽ trở lại với trạng thái bình thường chỉ khi nào xuất hiện một loại vaccine có thể diệt trừ hoàn toàn virus SARS-CoV-2, thủ phạm gây ra căn bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Cuộc đua chế tạo vaccine phòng ngừa Covid-19 đã gây ra không ít căng thẳng trên phạm vi toàn cầu.

Việc phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19 đang đứng đầu danh sách ưu tiên của các công ty dược phẩm trên toàn thế giới và tất cả đều đang cố gắng nhanh nhất có thể để tiêu diệt căn bệnh quái ác, gây ra cái chết của hơn 320.000 trên toàn cầu. Nhưng thế giới cũng phải chờ ít nhất đến đầu năm 2021. Chính vì vậy, nó cũng tạo thành một cuộc đua khốc liệt giữa những cường quốc về y tế tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc về liệu xem ai sẽ là người sáng chế ra vaccine chữa Covid-19 thành công đầu tiên.

Cuộc đua này cũng đã gây ra không ít căng thẳng trên phạm vi toàn cầu, nhất là tiếp tục đẩy mạnh căng thẳng Mỹ-Trung khi tuần trước, các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ tại Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ cáo buộc các tin tặc Trung Quốc tấn công để đánh cắp các thông tin về vaccine ngừa Covid-19 của một số công ty dược phẩm tư nhân.

Đương nhiên, Trung Quốc phản ứng rất gắt gao về cáo buộc này từ phía Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi cáo buộc của Mỹ nói Trung Quốc ăn cắp nghiên cứu vaccine là sự “vu khống”.

Ngoài ra, theo AFP, chính phủ Pháp đã nổi giận vì những phát ngôn đến từ Tổng giám đốc điều hành tập đoàn dược Sanofi Paul Hudson. Ông Hudson cho hay nước Mỹ có thể nhận vaccine phòng chống Covid-19 trước so với phần còn lại của thế giới nếu tập đoàn Pháp có thể chế tạo thành công loại vaccine này, do Mỹ đứng đầu trong việc cung cấp tiền cho cuộc nghiên cứu vaccine của Sanofi. Trong khi đó, Sanofi đã hưởng lợi hàng chục triệu euro trong những chính sách hỗ trợ nghiên cứu từ nhà nước Pháp những năm gần đây.

Cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng ngừa Covid-19 ngày trở nên cấp bách hơn sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất và sẽ tồn tại mãi mãi giống như virus HIV.

Hiện có hơn 100 loại vaccine đang được nghiên cứu, bao gồm nhiều loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy những khó khăn trong việc tìm kiếm một loại vaccine có hiệu quả với virus SARS-CoV-2.

WHO lưu ý rằng các loại vaccine điều trị một số bệnh vẫn chưa đạt được hiệu quả tích cực, chẳng hạn như bệnh sởi hiện vẫn chưa được loại bỏ.

Một nghiên cứu mới, được đăng tải trên tạp chí Science hôm 11/5, dẫn cảnh báo của các chuyên gia hàng đầu nước Mỹ rằng chỉ một loại vaccine không đủ để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nghiên cứu này nhấn mạnh, do nhu cầu của từng nước và sự khác biệt của chủng virus có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn một loại vaccine hiệu quả, và do đó cần đến sự phối hợp trong một chiến lược toàn cầu.