📞

Nóng nghị trường khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

15:46 | 23/05/2018
Sáng ngày 23/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo đó, nhiều vấn đề từ mô hình tổ chức chính quyền đến những ưu đãi nhằm thu hút đầu tư… đã được các đại biểu (ĐB) phân tích mổ xẻ.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này, theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và UBND ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày dự thảo Luật sau khi chỉnh lý. (Nguồn: Quochoi.vn)

Chính quyền tinh gọn                     

Theo ông Định, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu đã được chỉnh lý gồm có HĐND và UBND, vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương, vừa có những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, xử lý công việc nhanh nhạy gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực hiệu quả, công khai minh bạch.

Theo đó, HĐND đặc khu sẽ có không quá 15 đại biểu, đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND; HĐND đặc khu có Chủ tịch và một Phó Chủ tịch HĐND; kết quả bầu Chủ tịch HĐND đặc khu phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

UBND đặc khu bao gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch; cả ba vị trí không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu; Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu về tăng quyền cho chủ tịch UBND đặc khu. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian xử lý công việc khác cho nên cần phân cấp cho cấp phó. (Nguồn: Quochoi.vn)

Bộ máy giúp việc của HĐND và UBND đặc khu bao gồm Văn phòng giúp việc chung, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu không quá 7 cơ quan và Trung tâm hành chính công đặc khu.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu: HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách đặc khu, chủ trương đầu tư và thu hồi đất, biện pháp tổ chức đời sống dân cư và thực hiện chức năng giám sát.

UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng và trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật. Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên.

 Cần xem xét kỹ các ưu đãi

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất là nơi thành công nhất trong xây dựng đặc khu kinh tế, lúc đầu là chính sách ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài chính là sự ổn định về chính sách giải quyết các vấn đề tư pháp tại đặc khu, cải cách thủ tục tố tụng để thu hút đầu tư. 

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), về thời hạn sử dụng đất đặc khu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch đặc khu có quyền giao đất không quá 70 năm, trường hợp đặc biệt (không nhiều nhưng cần thiết có) sẽ được Thủ tướng phê duyệt không quá 99 năm.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) phát biểu về thời hạn sử dụng đất tại đặc khu. (Nguồn: Quochoi.vn)

Cũng theo đại biểu này, việc miễn thuế cá nhận để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là cá nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại đặc khu là các nhà khoa học chuyên gia là hợp lý, nhưng khi quyêt định, cần lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước.

ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, nhiều quy định cho phép Chủ tịch UBND đặc khu có quyền quyết định các vấn đề, trong đó có việc được ban hành luật quy phạm pháp luật, là mâu thuẫn với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề nguồn lực thực hiện đầu tư cần 1,5 triệu tỷ đồng, tuy nhiên tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu có những hạng mục không thể thiếu bàn tay nhà nước, nhà nước đầu tư bao nhiêu, mọi khoản chi đều nằm trong dự toán kế hoạch tài chính đầu tư trong trung hạn để đảm bảo tính khả thi.

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nhiều nơi quan tâm đến biến đổi khí hậu nếu quy định ngành nghề ưu tiên phát triển sẽ giúp phát triển biến đổi khí hậu. Ở phần bổ sung ngân sách cho đặc khu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhưng chưa quy định mức hỗ trợ, vì vậy cần quy định cụ thể hơn đầu tư cho các đặc khu về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ trong thời gian đầu để phát triển 3 đặc khu.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất sau đó bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư vì nếu để nhà đầu tư giải phóng mặt bằng có khả năng không công bằng, có thể kéo dài, nảy sinh khiếu nại tố cáo. Từ thực tiễn giải phóng mặt bằng tại một số địa phương cho thấy Nhà nước nên đứng ra giải phóng mặt bằng để kiểm soát chi phí, tránh việc nhà đầu tư trả giá cao rồi tính vào tổng mức đầu tư. Như vậy mới đảm bảo việc lắng nghe ý kiến dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư.