Nhỏ Bình thường Lớn

Nông nghiệp Việt Nam nổi bật ở Davos 2014

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014 tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 22-25/1. Nhân dịp này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn của TG&VN.
Ảnh minh họa.

Ông nhận định như thế nào về các vấn đề nổi bật được thảo luận tại WEF 2014?

WEF 2014 có chủ đề “Tái định hình thế giới: các hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh” và tập trung thảo luận bốn nội dung chính: Kiến tạo những giá trị và mô hình kinh doanh mới thích nghi với sự biến đổi của khoa học công nghệ; Định hình quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững; Định hình quá trình chuyển đổi xã hội và Định hình quá trình chuyển đổi trên toàn cầu hướng tới một thế giới bảy tỷ dân.

Theo tôi, chủ đề năm nay rất hấp dẫn và quan trọng, khi toàn cầu đang tính đến sự thay đổi. Cả thế giới đều đang lúng túng ở giai đoạn này. Đối với doanh nghiệp, khi khoa học công nghệ thay đổi thì tư duy kinh doanh, cách kinh doanh sẽ nên như thế nào? Đối với các quốc gia, mỗi quốc gia sẽ tính đến phát triển kinh tế bền vững như thế nào, mô hình tăng trưởng ra sao? Tại WEF, các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm, các học giả sẽ có những phân tích chuyên sâu.

Một vấn đề lớn nữa là việc thế giới chuẩn bị ra sao để đón 7 tỷ dân, nó sẽ bao hàm rất nhiều vấn đề nhỏ, từ an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Trên đây đều là các vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm, đặc biệt là mô hình tăng trưởng. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, cùng với những bước chuyển đổi của thế giới, vậy chúng ta cần chuyển đổi thế nào để đồng điệu với thế giới và tận dụng cũng như kết hợp được nội lực và ngoại lực. Một vấn đề quan trọng khác là sự liên kết và nhất thể hóa hội nhập của Việt Nam. Chúng ta cần phải nắm bắt xu hướng hội nhập, thương mại tự do hóa ra sao, chiều hướng thương mại, đầu tư tập trung ở đâu, trung tâm kinh tế sẽ chuyển hướng thế nào...

Ngược lại, thế giới lại muốn quan tâm đến từng quốc gia, từng khu vực. Chẳng hạn, người ta quan tâm việc ASEAN 2015 sẽ trở thành cộng đồng như thế nào. Khi đó, ASEAN sẽ tạo ra cơ hội gì, tầm nhìn của ASEAN với thế giới ra sao và thế giới có thể tham gia vào cộng đồng này như thế nào. Vì thế, đây cũng chính là cơ hội tốt để ta tuyên truyền và thu hút sự quan tâm của các đối tác.

Mục tiêu của Việt Nam tại WEF năm nay là gì, thưa ông?

WEF là một sân chơi toàn cầu, không chỉ các nhà chính trị, các doanh nghiệp lớn cũng tham gia. Mục tiêu của chúng ta là đến gặp gỡ và lĩnh hội những tư tưởng mới, những xu thế mới, nắm bắt được những cái mới của thế giới. Các vấn đề được bàn thảo tại WEF rất rộng lớn, ngoài ý tưởng, họ còn trao đổi cả những kỹ năng với các lĩnh vực rất rộng. Tất nhiên vẫn chủ yếu mang tính kinh tế, nhưng trên thực tế cũng đã có rất nhiều phiên về an ninh, chính trị và xã hội.

WEF là một diễn đàn có sự tương tác đa chiều, chúng ta đi nghe và lĩnh hội các vấn đề mới, mặt khác ta cũng đi tuyên truyền và quảng bá các chính sách của Việt Nam với thế giới, đồng thời làm rõ các quan điểm của Việt Nam, từ đó mời chào sự quan tâm của các đối tác.

Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989, Việt Nam tham gia WEF với tư cách là khách mời. Bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam tham gia mạnh vào các phiên thảo luận về vấn đề nông nghiệp, tham gia vào Sáng kiến tầm nhìn nông nghiệp mới. Việt Nam đã đóng góp rất nhiều và được đánh giá rất cao.

Ông có thể giới thiệu rõ hơn về Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp và sự tham gia của Việt Nam?

Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp bắt đầu được triển khai trong khuôn khổ của WEF từ năm 2009, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua cách tiếp cận thì trường, gắn kết sự tham gia của các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân), đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công – tư.

Từ đó đến nay, Sáng kiến tầm nhìn mới trong nông nghiệp đã gắn kết sự tham gia của hơn 250 tổ chức từ nhiều lĩnh vực và khu địa lý khác nhau, góp phần hình thành quan hệ đối tác tại 14 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, bao gồm cả khuôn khổ đối tác khu vực với tên gọi “Grow Africa”. Các nỗ lực này đã góp phần huy động trên 5 tỷ USD cam kết đầu tư và ước tính sẽ thu hút trên 13 triệu nông dân (hoạt động ở quy mô nhỏ) trong 3 đến 5 năm tới.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam được WEF đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của sáng kiến này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hiện đang phối hợp với 15 tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước triển khai mô hình “Đối tác công – tư ngành nông nghiệp” với mục đích phát triển và ổn định thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam.

Mô hình này hiện đang duy trì 5 nhóm hàng hóa và 1 nhóm tài chính vi mô, gồm càphê, chè, rau quả, thủy sản và các hàng hóa khác. WEF đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của mô hình này, coi đây là điển hình để các nước khác học hỏi và nhân rộng.

Tại WEF Davos 2014, sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp, cùng phối hợp với Ban thư ký ASEAN, sẽ phát triển và khởi động chương trình đối tác “Grow Asia” – một nền tảng đối tác cho khu vực để thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư, đầu tư và nhân rộng các điển hình tốt trong phát triển nông nghiệp bền vững ở khu vực ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Trúc (thực hiện)